Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 7 năm 2015 | 2:24

Phú Quốc trong cơn sốt đất: Nỗi lo “bong bóng”

Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất Phú Quốc (Kiên Giang) liên tục tăng, kéo theo đó, nhiều nơi xuất hiện tình trạng thổi giá cao chót vót. Cũng vì giá đất quá cao, nhiều nơi xảy ra phá rừng, chiếm đất công thành của riêng...

>> Phú Quốc trong cơn sốt đất

Tràn lan nạn phá rừng, chiếm đất công

Quả bóng bất động sản Phú Quốc đang phình to.

Theo chân một thành viên trong Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, nhóm phóng viên “mục sở thị” cảnh tượng hoang tàn của nhiều khu rừng trên huyện đảo này. Những điểm nóng bị tàn phá có thể kể đến như thị trấn An Thới, các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Ghềnh Dầu, Cửa Cạn…

Theo anh M., một người dân xã Ghềnh Dầu, do địa thế nằm cạnh các dự án du lịch lớn nên thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, mua bán đất rừng ở địa phương diễn ra khá phổ biến. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn xã đã phát hiện nhiều hộ lấn chiếm đất công để bán. Trong báo cáo gần đây của UBND xã Ghềnh Dầu gửi Huyện ủy Phú Quốc, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trên địa bàn xã lên đến 3ha.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất công cũng diễn ra khá phổ biến tại thị trấn An Thới và hai xã Dương Tơ, Hàm Ninh. Theo một lãnh đạo thị trấn An Thới, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền sở tại đã phát hiện và xử lý hàng loạt sai phạm liên quan đến nạn phá rừng, chiếm đất.

Theo thông tin từ Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, từ năm 2012 đến nay, diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn giảm 5.000ha, toàn đảo hiện còn 6.870ha rừng phòng hộ. Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó, nạn phá rừng, chiếm đất ngày càng gia tăng khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Cùng với việc hàng trăm hecta rừng vườn quốc gia, đất rừng phòng hộ ở đây  được chuyển đổi để phát triển du lịch và quy hoạch phát triển chung cũng vô hình chung trở thành cái cớ để nhiều người lợi dụng phá rừng, chiếm đất công.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện ít nhất 30 vụ người dân bao chiếm đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất dự án trái phép.

Tình trạng người dân chặt phá rừng, bao chiếm đất đang trở thành nỗi lo ở đảo Phú Quốc, và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có biện pháp khả dĩ nào được đưa ra để khắc phục hậu quả này.

Nỗi lo vỡ “bong bóng”

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, có nhiều nguyên nhân khiến giá đất tại Phú Quốc không ngừng lên cơn sốt trong thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý là thông tin Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đặc khu; Phú Quốc sẽ có những dự án lớn như vườn bách thú, casino, các khu du lịch tiêu chuẩn 5 sao, xây dựng cảng biển hành khách quốc tế, cảng dầu khí và nhiều dự án lớn đang tập trung đầu tư tại Phú Quốc.

Cùng với đó, hiện Phú Quốc đã có quy hoạch và quy hoạch chi tiết 1/2000, những khu vực, dự án đều có ranh giới, tọa độ cụ thể; khu vực nào cho xây dựng bao nhiêu phần trăm, khu vực nào cho xây dựng khách sạn 4 tầng, 5 tầng, 7 tầng, 8 tầng… 

Ngoài ra, hạ tầng tại đây cũng đang dần được hoàn thiện, hệ thống đường bộ với tổng số vốn đầu tư khoảng 5.776 tỷ đồng cũng đang được gấp rút thực hiện như đường trục chính Bắc - Nam có chiều dài 51,5km; dự án đường vòng quanh đảo Phú Quốc gồm 8 tuyến đường và 1 cây cầu dài 99,5km với tổng mức đầu tư 3.011,8 tỷ đồng. Trong đó, 5 tuyến đường đang triển khai xây dựng và 1 cây cầu tổng chiều dài hơn 47,8km.

“Chính những yếu tố trên đã hấp dẫn các nhà đầu tư tìm về Phú Quốc”, ông Nhân phân tích. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lo ngại, quả bóng bất động sản ở đây đã phình to quá cỡ và có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào.

Theo một “cò” đất tại đây, giá mỗi lô đất thấp nhất tại thời điểm hiện tại cũng hơn 2 tỷ đồng. Người mua trước bán cho người mua sau có lãi vài trăm triệu đồng/lô là chuyện hết sức bình thường.

Một tờ báo lớn trong thời gian gần đây cũng đưa thông tin nhiều đại gia sẵn sàng vác cả ba lô tiền đi săn đất. Điều này cho thấy, cơn sốt đất tại Phú Quốc đã lên đến đỉnh điểm.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của Phú Quốc đã đạt hơn 1.127 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu từ thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ, thuế chuyển mục đích sử dụng, tiền thuê đất… Giao dịch về đất đai tại Phú Quốc qua hệ thống ngân hàng thương mại bằng tiền mặt đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng trên 56% so với cùng kỳ.

“Do nhu cầu của thị trường quá lớn, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng gom hàng để đợi giá, trong khi đó, “cò” đất cũng liên tục thổi giá để kiếm lời là nguyên nhân thổi giá đất ở đây lên cao trong thời gian ngắn. Hiện tại, đầu tư vào khu vực này vẫn còn khả năng sinh lợi cao, tuy nhiên, một khi “bong bóng” vỡ sẽ kéo theo hệ lụy cả thị trường đóng băng, khi đó, người mua sau sẽ lãnh đủ hậu quả”, ông Nhân phân tích.

Bên cạnh đó, người mua cũng cần cảnh giác để tránh mua phải những lô đất có pháp lý không rõ ràng. Theo một lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, người mua đất nên tìm hiểu, xác định nguồn gốc thửa đất cần mua, cũng như thông tin quy hoạch chung của huyện đảo. Cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc trước khi quyết định mua đất, không nên mua của các đối tượng “cò” mồi để tránh rủi ro về sau.

Nam Giang - Khải Đăng - Vũ Nguyên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top