Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 10 năm 2020 | 22:34

Phú Yên: Khẩn trương di dời người dân trên lồng bè vào đất liền

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Molave (bão số 9), ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại khu vực vịnh Xuân Đài, TX. Sông Cầu và một số khu vực trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tại các vùng xung yếu
 
Tại vịnh Xuân Đài, ông Phạm Đại Dương đã ân cần thăm hỏi các chủ lồng bè nuôi thuỷ sản, chủ tàu và thuyền viên đang neo đậu tàu cá ở đây; đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị, chủ động của người dân và chính quyền địa phương.
 
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: Diễn biến của cơn bão số 9 còn khá phức tạp. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát những điểm xung yếu để thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Lực lượng bộ đội, công an cần tăng cường hỗ trợ các địa phương thực hiện các phương án phòng chống bão; cử lực lượng về những vùng xung yếu, trọng điểm để hỗ trợ người dân gia cố lồng bè, tàu thuyền, nhà cửa thật chắc chắn và di dời dân lên bờ để đảm bảo an toàn. Việc di dời người trên lồng bè vào đất liền phải xong trước 18 giờ ngày 27/10. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thủy sản phải chủ động chằng chống, bảo đảm an toàn cho lồng nuôi, tránh thiệt hại do bão và không được chủ quan ra biển vào thời điểm này...
img_3397.jpg
Tàu thuyền di chuyển vào bờ neo đậu an toàn

Ông Nguyễn Văn Thảo, chủ một lồng bè nuôi thuỷ sản tại vịnh Xuân Đài, cho biết: “Sau khi nắm được thông tin về cơn bão số 9 và yêu cầu của ngành chức năng, chúng tôi đã gia cố lồng bè thật chặt và đã rời bè. Chúng tôi sẽ không tự động ra bè vào thời điểm này nếu chưa được các cấp, chính quyền cho phép”.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển; trong đó, hoạt động xa bờ có 163 tàu cá/962 lao động, hoạt động gần bờ và đi về trong ngày có 124 tàu cá/570 lao động. Tất cả các tàu cá này đều đã nhận được thông tin về diễn biến của bão số 9 và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên liên lạc với gia đình và với lực lượng bộ đội biên phòng.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện hỏa tốc số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020 về triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số Molave (bão số 9) và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường công tác triển khai ứng phó với thiên tai (bão số 9) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có Công điện yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 9.
 
Bão số 9 được dự báo mạnh tương đương bão Damrey năm 2017
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 9 vẫn đang di chuyển nhanh về phía các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Phú Yên, vẫn có khả năng mạnh thêm, sức gió gần tâm bão cấp 13 - 14
 
Lúc 4h sáng ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
img_3399.jpg
Các hộ nuôi trồng thủy sản chằng chống lồng bè để tránh thiệt hại do bão.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết: Bão số 9 có 3 đặc điểm cần lưu ý gồm: Di chuyển nhanh, cường độ mạnh và vùng ảnh hưởng rộng. Từ chiều 27/10 ngoài khơi đã có gió mạnh đạt cấp 13 giật cấp 15/10. Khi vào gần bờ cường độ gió vẫn duy trì cấp 12 giật cấp 14. Trọng tâm bão đổ bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên, tuy nhiên cả khu vực vịnh Bắc Bộ vẫn có gió cấp 8-9; phía Nam từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió Tây Nam mạnh cấp 7 giật cấp 10. Bão số 9 với cường độ rất mạnh cấp 12-13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10m trên biển Đông. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên sóng cao 4-7m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.

Cơn bão số 9 được dự báo là mạnh tương đương bão số 12 (Damrey) năm 2017, từng gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận; đã làm 123 người chết, mất tích, 134.000 nhà, trên 73.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; thiệt hại vật chất trên 22.000 tỷ đồng.
 
Theo đó, nếu theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 thì tổng số diện tích nuôi trồng thủy sản trong phạm vi khu vực bão ảnh hưởng là hơn 14.000 ha và gần 180.000 lồng, bè. Tổng số dân có thể phải sơ tán sẽ lên đến 1,3 triệu người. Hiện nay tổng số tàu thuyền được thống kê tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa là 25.063 chiếc. Các đơn vị biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu/289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh./.
 
 
 
Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top