Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 10 năm 2020 | 10:56

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung

Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung…

Sáng nay (21/10), tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Quang cảnh khai mạc Đại hội
Quang cảnh khai mạc Đại hội.
 
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tập trung vào các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm về xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển KT - XH, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
 
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đọc diễn văn khai mạc Đại hội
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đọc diễn văn khai mạc Đại hội

 

Kinh tế - xã hội có bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng; kết cấu hạ tầng KT - XH được tăng cường.
 
Các hoạt động văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo, giàu tính nhân văn, phù hợp với ý Đảng lòng dân, đời sống của Nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.
 
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng thừa nhận: “Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chúng ta còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế và có lúc không tránh khỏi chủ quan, nóng vội đã dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm và có cán bộ đã bị xử lý kỷ luật. Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy khóa XIX đã nghiêm túc kiểm điểm và xin nhận khuyết điểm trước Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà”.
 
Đại hội lần này với tinh thần xây dựng Đảng, chúng ta phải có trách nhiệm đề ra các giải pháp để khắc phục cho được những mặt còn hạn chế, khuyết điểm và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, vươn lên xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ người Quảng Ngãi trong các thời kỳ lịch sử, làm cho những thành quả đó tiếp tục phát huy giá trị để phát triển tỉnh Quảng Ngãi thân yêu của chúng ta lên những tầm cao mới.
 
Trong 5 năm qua (2016-2020), kinh tế Quảng Ngãi tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 4,83%/năm; nếu không tính sản phẩm lọc dầu thì tăng bình quân 8,5%/năm.
 
Năm 2020, GRDP của tỉnh ước đạt 82.593 tỷ đồng (giá hiện hành), gấp 1,36 lần so với năm 2015. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,14%, dịch vụ 28,35%, nông nghiệp 18,51%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm ước đạt 90.175 tỷ đồng, bằng 107,7% so với mục tiêu Trung ương giao.
 
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 ước đạt 16.575 tỷ đồng, tăng bình quân 4,5%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; trong đó, nông nghiệp tăng 2,09%, lâm nghiệp tăng 13,39% và thủy sản tăng 6,71%. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.
 
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh ước có 102 xã và 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân/xã là 16,5 vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
 
Những nhiệm vụ, giải pháp đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung
 
Quảng Ngãi đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó có 04 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị. Cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
 
Đẩy mạnh 03 đột phá: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.  Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. 
không để lặp lại những khuyết điểm vừa qua
 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Đảng bộ Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ vừa qua. 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đại hội chúng ta cũng cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ trong Báo cáo chính trị; trong đó, Đại hội chúng ta cần bàn kỹ: vì sao KT - XH tỉnh nhà phát triển chưa bền vững, còn thấp so với mức bình quân chung cả nước; vì sao phát triển kinh tế chưa đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội; vì sao một số vấn đề xã hội chậm được giải quyết hoặc hiệu quả đạt thấp; vì sao còn để việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư, quản lý sử dụng ngân sách, việc điều động cán bộ, bổ nhiệm cán bộ… còn có sai phạm, khuyết điểm, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, hay là sức chiến đấu của tổ chức Đảng, vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy cần được phát huy hơn, vai trò của Mặt trận, đoàn thể, phải chăng cũng cần lưu ý trách nhiệm các cơ quan dân cử đã thực sự phát huy vai trò giám sát, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền có hiệu quả hay chưa, hay do vướng, hạn chế do cơ chế, chính sách? Đó chính là những vấn đề rất lớn mà Đại hội chúng ta phải bàn kỹ lưỡng. 

Bà Tòng Thị Phóng đề nghị: “Đại hội của chúng ta cần phải đi sâu thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân của tình hình để đề ra các biện pháp khắc phục một cách kiên quyết và có kết quả cao nhất, không để lặp lại những khuyết điểm vừa qua, muốn vậy, phải có quyết tâm cao, thẳng thắn, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để đưa tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững và toàn diện hơn trong thời gian tới, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung”…

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top