Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 5 năm 2020 | 10:58

Quảng Ninh chú trọng phát triển kinh tế thủy sản

Bờ biển dài khoảng 250km, diện tích mặt nước hơn 6.000km2, cùng hơn 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững 

bà-con-ngư-dân-quảng-ninh-thu-hoạch-tôm-thẻ-chân-trắng.jpg
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, quý I/2020, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.400 tấn, đạt 23,1% so với kế hoạch, bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khai thác 16.860 tấn, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ; nuôi trồng 14.600 tấn, đạt 21,5% kế hoạch, bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tỷ lệ thuỷ sản nuôi trồng đang có bước tăng trưởng đáng kể. Có được thành công này là nhờ từ năm 2016, Quảng Ninh đã triển khai 2 đề án, dự án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng là: Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà của Tập đoàn Việt - Úc, đã đi vào vận hành, xuất xưởng hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại chỗ cho người nuôi.

Cơ sở nuôi tôm diện tích 7,2ha của hộ ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh (TP Móng Cái), thời gian qua, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn đã cho năng suất cao. Theo mô hình này, diện tích nuôi tôm của ông Trình đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tuân thủ quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, hoá chất... Hiện đang là đầu vụ nuôi mới, theo ông Trình, gia đình đã thả hơn 80 vạn giống tôm thẻ chân trắng tại 3 ao nuôi. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước, việc thả giống chỉ mất 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các khâu nuôi, xử lý và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Riêng 2 vụ nuôi trước, mỗi vụ gia đình ông thu được hơn 20 tấn tôm thương phẩm.

           

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với diện tích gần 5.000ha, bao gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng chè tập trung ở huyện Hải Hà; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng chăn nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn…

 

hàu-cửa-sông-tại-tx-quảng-yên-là-một-trong-những-mặt-hàng-xuất-khẩu-sang-trung-quốc-với-số-lượng-lớn.jpg
Mô hình nuôi Hàu cửa sông tại TX Quảng Yên

 

Tại huyện Vân Đồn, người dân đang tập trung thu hoạch nhuyễn thể trong vùng sản xuất tập trung đã được tỉnh quy hoạch trên diện tích 1.500 ha. Theo ước tính, trong tháng tới sẽ có khoảng 10.000-20.000 tấn nhuyễn thể được người dân Vân Đồn thu hoạch để tránh mùa mưa bão nhằm hạn chế sự thiệt hại, đồng thời chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Xuất phát từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay đã góp phần phát triển ổn định cho trên 400 sản phẩm OCOP, cung cấp kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt là trong mỗi dịp tổ chức Hội chợ OCOP hằng năm.

 

Mô hình nuôi tôm trong nhà

Đây là mô hình của Công ty CP Cơ khí Uông Bí. Tôm được nuôi với 3 giai đoạn đều ở trong nhà; ban đầu, tôm giống sẽ được thả vào ao ương (giai đoạn 1) với mật độ 5.000-12.000 con/m2. Sau khoảng 25-30 ngày, tôm được chuyển vào ao nuôi giai đoạn 2 với mật độ từ 300-500 con/m2. Khoảng 1 tháng sau, tôm chuyển vào ao nuôi giai đoạn 3 và nuôi trong 30-35 ngày, đây cũng là giai đoạn nuôi thương phẩm, mật độ nuôi 200-300 con/m2.

Quá trình nuôi tôm 3 giai đoạn kết thúc trong khoảng 90-100 ngày, tỷ lệ sống trong cả quá trình nuôi đạt đến mức 80%, cao hơn 20%; tỷ lệ quay vòng vụ nuôi đạt tới 9 vụ/năm, cao hơn gấp 4 lần; năng suất có thể đạt 160-200 tấn/ha/năm, cao hơn từ 8-9 lần.

tôm-ương-giai-đoạn-1-tại-công-ty-cp-cơ-khí-uông-bí.jpg
Tôm ương giai đoạn 1 tại Công ty CP Cơ khí Uông Bí

 

Ông Nguyễn Hữu Cao, cán bộ phụ trách chuyên môn tại các ao nuôi tôm của Công ty CP Cơ khí Uông Bí, cho biết: Ở các mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn thông thường, nếu như chỉ con tôm ở giai đoạn đầu là được chăm sóc chu đáo do được thả nuôi bể trong nhà thì ở đây, cả 3 giai đoạn nuôi từ giống nhỏ đến giống lớn, đến tôm thương phẩm đều được chúng tôi nuôi trong bể đặt trong nhà, có nghĩa cả quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm, từ khi thả giống đến lúc thu hoạch đều được hưởng chế độ chăm sóc cao nhất...

 

Phục tráng, phát triển giống thủy sản chất lượng

Ông Dương Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Môi trường (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh), cho biết: Do thủy sản sinh trưởng dưới nước, dưới bùn cát nên khó quan sát, khó phân biệt tính đực cái; một số loài thủy sản còn có đặc điểm chuyển đổi giới tính, cần can thiệp kích thích nhân tạo để con vật giao phối với nhau. Để phát triển nguồn giống thủy sản chất lượng cao, những năm qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản Quảng Ninh đã nhập một số giống thủy sản nước ngoài về nuôi cho kết quả tốt, như: Tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ; hầu Thái Bình Dương; hầu cửa sông; cá rô phi Đường Nghiệp... 

người-dân-thị-trấn-cái-rồng-vân-đồn-nuôi-cá-trong-ô-lồng.jpg
Người dân thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) nuôi cá trong ô lồng

 

Cùng với đó còn phát triển các đơn vị nuôi trồng giống thủy sản, cung cấp nguồn giống tại chỗ cho người dân. Như ở huyện Đầm Hà, Tập đoàn Việt - Úc đã triển khai dự án sản xuất tôm chất lượng cao. Dự án có quy mô và sản xuất 8 tỷ con tôm giống/năm và xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm có sản lượng từ 100 đến 300 tấn/ha/năm, tương đương 5.800-17.400 tấn/năm. Sau thời gian tích cực triển khai, đến nay đã sản xuất được gần 600 triệu con tôm giống, đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh.

Không chỉ dự án sản xuất giống ở Đầm Hà, tại Cẩm Phả cũng có 2 dự án phát triển giống thủy sản chất lượng cao. Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao cũng được Tập đoàn NG Việt Nam đầu tư.

Bên cạnh đó, Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư cũng được triển khai, năng suất ước đạt 15-20 tấn/ha. Nhờ vậy, năm 2019, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đạt khoảng 1,2 tỷ con giống các loại, đạt 110% kế hoạch.

 

Tìm hướng đi mới cho thị trường thủy sản

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh), giá một số loại thủy sản khi nhập khẩu vào Việt Nam vẫn rẻ hơn hàng trong nước, dù chịu thuế từ 10-30%. Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới luôn đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật thương mại, vệ sinh dịch tễ, môi trường…, trong khi các doanh nghiệp của tỉnh vẫn khó đáp ứng yêu cầu này. Vấn đề bảo hộ bản quyền, thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc của các cơ sở xuất khẩu thủy sản Việt Nam mới chỉ trong quá trình hoàn thiện, còn nhiều bất cập…

Để tìm kiếm hướng đi mới và mở rộng thị trường, trong những năm qua, ngành thủy sản đã chú trọng tập trung tiêu thụ nội địa, kết hợp chặt chẽ với ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh. Nhất là đẩy mạnh chế biến, nâng giá trị sản phẩm thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu, tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Qua đó, hàng loạt sản phẩm chất lượng cao như: Nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt, sứa muối phèn..., đã được người dân và du khách đón nhận.  

Cùng với đó, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác lớn, như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… đã tạo động lực và cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng “vươn ra biển lớn”. 

Trong đó, việc cắt giảm thuế quan từ 90% xuống 0% khi xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên ngay sau khi FTA được ký kết đã giảm gánh nặng cho doanh nghiệp của tỉnh. Không những thế, nhờ thuế suất 0%, các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn tận dụng được tối đa công suất dư thừa khi nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ các nước thành viên đã ký FTA với Việt Nam. Sau đó, chế biến và tái xuất sang thị trường các nước thành viên, đặc biệt là thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Ngoài ra, việc ký kết các hiệp định thương mại còn tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ, như vận tải, lưu kho; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu vật tư, thiết bị máy móc; tiếp cận nguồn vốn và khoa học kỹ thuật ở các nước thành viên… Qua đó, tăng cơ hội hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất các mặt hàng thủy sản. 

hàng-năm-tỉnh-quảng-ninh-đều-chú-trọng-tổ-chức-lễ-thả-giống-để-tái-tạo-nguồn-lợi-thủy-sản.jpg
Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều chú trọng tổ chức Lễ thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

 

Thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kết với việc tích cực tìm kiếm thị trường cho công tác tiêu thụ thủy sản cho người dân và doanh nghiệp.

Tin rằng, thời gian tới, lĩnh vực kinh tế thủy sản Quảng Ninh sẽ không ngừng phát triển, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị sản xuất cho toàn tỉnh.

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
Top