Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 11:4

Sản phụ dương tính với SARS-CoV-2 sinh con và điều trị bệnh thành công

Một sản phụ mang thai 35 tuần tuổi dương tính với SARS-CoV-2 nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây, đội ngũ y, bác sỹ đã chữa trị, giúp 02 mẹ con liên tục vượt qua những diễn biến xấu về sức khỏe. Đến nay, sản phụ và con gái đã được cho ra viện.

Bệnh nhân có nhiều diễn biến xấu về sức khỏe

Trường hợp được nhắc tới là sản phụ N.T.T (42 tuổi, trú tại Quảng Nam). Bệnh nhân này đi từ TP.Hồ Chí Minh về Quảng Nam ngày 31/7, cách ly tại Tam Kỳ và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/8. Thời điểm này, chị T. đang mang thai gần 35 tuần tuổi.

Ngày 5/8, bệnh nhân T. có biểu hiện hiện ho, sốt kèm khó thở nhiều phải thở ôxy nên được chuyển tuyến đến Trung tâm Cách ly, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 lúc 3h ngày 9/8 để theo dõi và điều trị.

Chị T. được chuyển tuyến đến Trung tâm Cách ly, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Chị T. được chuyển tuyến đến Trung tâm Cách ly, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

 

Lúc 8h45 ngày 11/8, chị T. có dấu hiệu chuyển dạ, qua thăm khám bác sĩ chuyên khoa sản chẩn đoán vỡ ối sớm, nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, nhiễm SARS-CoV-2 và có chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.

Trước tình thế nguy cấp này, sau khi báo cáo tình trạng bệnh xin ý kiến Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, bệnh nhân đã được chuyển mổ cấp cứu. Lúc này, tại phòng mổ, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, tiên lượng rất nặng với da niêm mạc nhợt nhạt, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp… và được chẩn đoán nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, ối vỡ sớm rất nguy kịch.

Đến 9h30 cùng ngày, bệnh nhân được nhanh chóng phẫu thuật lấy ra 1 bé gái, nặng 2,2kg với gây mê nội khí quản. Tình trạng bé gái sau sinh non giảm trương lực cơ, thở yếu, không khóc, tím. Sau 1 phút các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, trẻ hồng hơn, cử động tay chân khá, trương lực cơ tốt, đã khóc nhưng còn thở yếu. Sau đó, trẻ được chuyển trung tâm cách ly tiếp tục theo dõi và điều trị.

Riêng mẹ được hồi sức tích cực, thở máy. Tuy nhiên, đến 16h30 cùng ngày, sức khoẻ sản phụ T. diễn biến xấu dần, được chỉ định lọc máu liên tục. Đến ngày 13/8, sau 2 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng, nguy kịch, áp lực ôxy trong máu rất thấp mặc dù đã tối ưu các phương pháp điều trị.

Bệnh nhân trải qua nhiều diễn biến xấu về sức khỏe.
Bệnh nhân trải qua nhiều diễn biến xấu về sức khỏe.

 

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì hội chẩn trực tuyến

Để cứu chữa người bệnh kịp thời, các y, bác sĩ Trung tâm Cách ly, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa dưới sự chủ trì trực tuyến của GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện lúc này đang ở làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 ở TP.Hồ Chí Minh.

Với chẩn đoán bệnh nhân sau phẫu thuật lấy thai nhau tiền đạo trung tâm kèm nhiễm SARS-CoV-2 nặng, nguy kịch, hội đồng chuyên môn đã chỉ định tiến hành chạy ECMO (ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể), ngay sau đó do ê kíp ECMO của bệnh viện thực hiện.

Sau 45 phút thiết lập và kết nối hệ thống ECMO, tình trạng ôxy hóa máu được duy trì ở giá trị mục tiêu điều trị.

ThS.BS Trương Tuấn Anh, Trưởng kíp thực hiện kỹ thuật ECMO cho biết, ECMO là một phương pháp hỗ trợ tim phổi cơ học được chỉ định cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều chuyên ngành với sự tập trung cao độ và chính xác để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Đây là kỹ thuật hỗ trợ hô hấp hoặc cả hô hấp và tuần hoàn cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng được mục tiêu điều trị giúp duy trì sự sống của người bệnh.

Bên cạnh đó, một ekip bác sĩ và điều dưỡng nhi sơ sinh cũng được điều động kịp thời để chăm sóc và điều trị cho bé.

Đến ngày 22/08, sau 9 ngày hỗ trợ ECMO, 11 ngày lọc máu, chăm sóc và hồi sức tích cực (thở máy, kháng sinh, dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng), sức khoẻ chị T. đã dần ổn định và ngưng lọc máu. Các ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục được tập hô hấp liệu pháp và vận động phục hồi chức năng tích cực.

Đây là trường hợp bệnh nặng và khó vì bệnh nhân mắc Covid-19 trong khi mang thai, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất, các y bác sĩ của đơn vị đã kịp thời phẫu thuật mổ lấy thai và nhanh chóng quyết định thực hiện những kỹ thuật hiện đại nhất trong hồi sức: ECMO, thở máy, lọc máu liên tục để cứu sống sản phụ.

Chị T. và con gái đã được xuất viện.
Chị T. và con gái đã được xuất viện.

 

Hiện sức khoẻ của bệnh nhân T. đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống ngon miệng, đi lại sinh hoạt bình thường, phổi thông khí tốt. Em bé phát triển tốt, khỏe mạnh, cân nặng 3,2kg. Kết quả xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 của hai mẹ con cả 3 lần gần nhất đều âm tính, và đủ tiêu chuẩn để xuất viện.

Ngày 7/9, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, tình trạng sức khoẻ của sản phụ N.T.T cùng con gái đã ổn định, xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 ba lần đều âm tính và đã được xuất viện.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top