Thông tin được đề cập trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau vừa gửi đoàn công tác Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Theo đó, địa phương này có 189 km trong tổng số 254 km bờ biển Đông và Tây đang sạt lở nghiêm trọng. Kết quả quan trắc cho thấy bờ biển Tây (dài 147 km) bình quân sạt lở 20-25 m, có nơi lên đến 50 m mỗi năm; bờ biển Đông (107 km) bình quân sạt lở 45-50 m mỗi năm.
Trong 10 năm qua, có 52 km đê biển Tây được đầu tư, nâng cấp bằng bê tông, cốt thép nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh... Còn bờ biển Đông đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng đê.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng phức tạp khiến nhiều đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có nơi mất hết.
"Sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, đe dọa đời sống hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ven biển và hàng trăm nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bên trong", ông Nam nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho biết hiện có khoảng 23 km đê biển Tây từ sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) xuống cấp, sạt lở nặng. Tỉnh ước tính cần 700 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp đoạn đê này nhưng vượt quá khả năng của địa phương.
"Tỉnh đã kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển, khôi phục rừng phòng hộ bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân...", ông Sử nói.
Cà Mau nằm ở cực nam đất nước, rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân. Địa phương có thế mạnh về thuỷ sản, đặc biệt là nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. Giai đoạn năm 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người đến 2025 đạt 77 triệu đồng.