Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 15:57

SEA Games 31: Đậm dấu ấn bản sắc văn hóa, con người Việt Nam

Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31 là dịp để Việt Nam mang đến cho bè bạn quốc tế và trong khu vực những hình ảnh đẹp nhất về văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam.

Từ việc lựa chọn linh vật đến việc tổ chức khai mạc Đại hội đều gắn với bản sắc văn hóa, mang dấu ấn riêng của Dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng ta giới thiệu và quảng bá du lịch đến bè bạn năm châu với tinh thần “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

SEA Games lần thứ 31 là sự kiện thể thao quan trọng đối với nước ta trong thời điểm này. Bởi đây là dịp để Việt Nam giới thiệu đến bè bạn quốc tế hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và đang vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho SEA Games 31.

SEA Games lần này được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận với sự tham dự của hơn 7.800 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ của 11 đoàn thể thao các nước trong khu vực. Để bảo đảm tổ chức thành công đại hội, đến nay, các tỉnh, thành phố đã hoàn tất công tác bảo đảm cơ sở vật chất, hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh, phòng, chống dịch, hậu cần và dịch vụ khác.

Thủ đô Hà Nội là địa bàn trọng điểm, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc 18 môn thi đấu tại 14 địa điểm. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Thành phố đã đầu tư 620 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các trung tâm thể thao, nhà thi đấu đạt chuẩn quốc tế Ban Tổ chức SEA Games 31 TP. Hà Nội đã thành lập bốn tiểu ban: Tiểu ban hậu cần, cơ sở vật chất, lễ tân, khánh tiết; Tiểu ban thông tin, tuyên truyền, trang trí; Tiểu ban y tế và chăm sóc sức khỏe; Tiểu ban an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ để phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai các công việc”.

Cơ hội giới thiệu, quảng bá du lịch từ hình ảnh linh vật sao la

Mỗi kỳ SEA Games, quốc gia được đăng cai tổ chức sự kiện này, đều phải lựa chọn một linh vật làm biểu tượng, vì thế việc lựa chọn linh vật nào là hết sức quan trọng. Kỳ SEA Games trước đây vào năm 2003, chúng ta đã lựa chọn con trâu làm linh vật, đây là con vật gắn liền với bản sắc văn hóa lúa nước của Việt Nam chúng ta, thì đến kỳ SEA Games 31, chúng ta lựa chọn sao la là linh vật.

 

sao-la.jpg
Sao la được lựa chọn là linh vật cho SEA Games 31. 

 

Sao la là một loài động vật quý hiếm được liệt vào trong Sách đỏ Thế giới, là loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, sống ở vùng rừng núi Trường Sơn. Vào tháng 5/1992, sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây được xem là phát hiện ấn tượng nhất của khoa học, nhất là khi khoa học thế giới và Sách Đỏ thế giới (IUCN) xếp sao la vào bậc cực kỳ nguy cấp (CR). Loài vật quý hiếm này còn được tìm thấy trong phạm vi dãy Trường Sơn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Khi đó, sao la được xem là loài đặc hữu của Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết: “Vào năm 2019, nhờ bẫy ảnh trong rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lực lượng nghiên cứu khoa học đã bất ngờ thu được hình ảnh nghi là của cá thể sao la”.

Theo đó, khu vực rừng bẫy ảnh phát hiện cá thể sao la này nằm trong vùng lõi, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hình ảnh thu được của cá thể nghi là sao la được chụp bằng bẫy ảnh vào ngày 9/2/2019.

Tại những tỉnh tìm thấy sao la cũng chính là những nơi có địa danh du lịch nổi tiếng Thiên Cầm (Hà Tĩnh),  Động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình). Việc đưa sao la là linh vật của SEA Games 31 cũng là dịp để chúng ta giới thiệu và thu hút du khách quốc tế đến với các địa danh này tìm hiểu về sao la, đồng thời, là dịp giới thiệu và quảng bá các điểm du lịch đến với du khách trong và ngoài nước.

Giới thiệu và quảng bá ẩm thực đến với bè bạn quốc tế

Nhiều du khách đến Việt Nam đều đánh giá, những món ăn của Việt Nam là lý do để họ quay lại Việt Nam. Và đây là cơ hội để quảng bá và giới thiệu ẩm thực của chúng ta đến với bè bạn quốc tế. Tại những địa điểm diễn ra các trận tranh tài ở các môn thi đấu của SEA Games 31, một không gian văn hóa ẩm thực cũng được mở ra.

 

14a.jpgSEA Games 31 là dịp giới thiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

 

Tại sân vận động Thiên Trường (Nam Định), Sở VH-TT-DL Nam Định phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định tổ chức chào mừng SEA Games 31, không gian văn hóa ẩm thực này thu hút rất nhiều khan giả trong và ngoài nước đến cổ vũ cho các đội bóng thi đấu tại đây.

Dù ngắn ngày, nhiều đặc sản của Nam Định được giới thiệu tại đây. Phở bò là món không thể thiếu. Bún đũa, xôi kê, kẹo sìu châu… cũng được Nam Định mang ra “khoe” tại các gian hàng. Cùng kết hợp với Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, sự kiện này còn có sự xuất hiện của những món ngon không phải của Nam Định. Đó là vịt Cổ Lũng tần sâm báo đặc sản Thanh Hóa, bún ốc Bà Ngoại, xôi Phú Thượng, cốm làng Vòng của Hà Nội, bún bò giò heo xứ Huế. Trong số này, bún ốc Bà Ngoại là thương hiệu vừa nhận chứng nhận Không gian di sản văn hóa ẩm thực của Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Bún bò Huế được Hội Nghệ nhân ẩm thực phường Vĩ Dạ, TP.Huế lặn lội mang tới.

Một phóng viên chia sẻ “Rời sân đói quá, tôi tạt ngay vào không gian này. Có nhiều gian hàng giới thiệu món ăn ngon mà bạn phải đến từng địa phương mới có thể thưởng thức được, nay có thể ăn một chỗ nhiều món”.

Ngay tại Hà Nội, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề 2022 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện. Lễ hội dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 19 - 23/5, tại khu vực vỉa hè đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm (đối diện đường đua F1).

Ngoài giới thiệu ẩm thực truyền thống và hiện đại của Hà Nội, còn giúp du khách trải nghiệm từ ẩm thực đường phố đến ẩm thực truyền thống, như: Phở Hà Nội, chả cá, bún thang, bánh tẻ Sơn Tây, nem Phùng, xôi Phú Thượng, trà sen Tây Hồ, cà phê trứng, giò chả Ước Lễ... Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu và thưởng thức mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội.

Ban Tổ chức cũng thiết kế khu vực riêng giới thiệu du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức), lược sừng Ứng Thụy (Thường Tín), làng nghề nặn tò he Xuân La (Phú Xuyên)...

Cổ động viên thân thiện nhất

Trận bóng đá nam đầu tiên diễn ra tại Nam Định ngày 7/5, không có đội Việt Nam thi đấu, nhưng vẫn có rất nhiều cổ động viên Nam Định đi cổ vũ, các cổ động viên còn đến trước khách sạn đóng quân của U23 Lào để “tiếp lửa” cho “hàng xóm”. Hội cổ động viên bóng đá Nam Định còn chuẩn bị cờ, băng rôn, khẩu hiệu, in áo mang biểu tượng quốc kỳ nước bạn Lào để cổ vũ cho các cầu thủ U23 Lào thi đấu tại SEA Games 31.

Anh Bùi Tiến Dũng, đại diện hội cổ động viên Nam Định cho biết: “Với quan điểm ủng hộ cho tất cả các đội bóng nước bạn đến với tỉnh Nam Định, chúng tôi sẽ nỗ lực thu hút khán giả đến sân xem các trận đấu tại bảng B, môn bóng đá Nam SEA Games 31. Đây là cách để chúng tôi góp phần quảng bá hình ảnh giải đấu, hình ảnh đất nước Việt Nam cũng như con người Nam Định”.

Hành động của các cổ động viên Nam Định khiến các cầu thủ và Ban huấn luyện của U23 Lào rất cảm kích. HLV U23 Lào, Micheal Weis và các học trò xuống sảnh khách sạn để cảm ơn các cổ động viên Nam Định.

Trang facebook chính thức của Liên đoàn bóng đá Lào đăng tải clip ghi lại cảnh tượng nói trên kèm theo lời cảm ơn: “Cảm ơn người hâm mộ Việt Nam đã cổ vũ chúng tôi trước trận đấu với đội tuyển U23 Singapore”.

Còn Trưởng đoàn U23 Thái Lan cảm ơn sự nhiệt huyết, bầu không khí thân thiện và cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam. Cả Đông Nam Á, từ truyền thông cho đến người hâm mộ đều phát sốt và dành nhiều lời ngợi khen cho người dân Nam Định. Sân vận động Thiên Trường lập kỷ lục là “sân bóng trung lập đón nhiều khán giả nhất trong một trận bóng đá tại SEA Games”.

Thông tin trên trang chủ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, nhiều cổ động viên bày tỏ sự cảm kích trước hình ảnh đẹp tại chảo lửa Thiên Trường.

“Cảm ơn những khán giả của Việt Nam. Bầu không khí ở sân vận động thật sự nóng như lửa. Tôi cảm giác như đang được thi đấu trên sân nhà của mình vậy”.

“Tôi nghĩ khán giả Việt Nam thật tuyệt vời. Họ tạo ra bầu không khí sôi động để tạo động lực cho cả hai đội mặc dù đội nhà không thi đấu”.

“Cảm ơn những người hâm mộ Việt Nam! Cảm giác giống như đang chơi bóng tại sân vận động Bukit Jalil”.

“Những người hâm mộ Nam Định tại Việt Nam thật tuyệt vời. Cảm ơn vì đã tới đây để lấp đầy mọi khoảng trống”...

Việt Nam là một quốc gia đã trải qua nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, hơn ai hết nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn tình cảm quý báu của các nước trên thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Vì thế, người dân Việt Nam luôn thân thiện với bè bạn năm châu trên thế giới mỗi khi có dịp là thể hiện tình cảm mến khách, thân thiện này.

Lễ khai mạc tràn ngập âm thanh và ánh sáng

Mở màn khai mạc SEA Games 31 có chủ đề “Việt Nam thân thiện”. Nước chủ nhà Đại hội chào đón các nước trong khu vực Đông Nam Á tham dự SEA Games 31 bằng sự nồng ấm, thân thiện, bằng nụ cười và một tâm thế bình an.

14d.jpg

Màn múa "Hồn sen Việt".

14c.jpg

 Tiết mục múa tre có tựa đề "Việt Nam xin chào".

 

Màn Trống khai hội Countdown bằng nghệ thuật trình diễn Mapping và công nghệ đồ hoạ thực tế ảo. Giới thiệu lại 30 kỳ SEA Games theo chiều của chim Lạc trên trống Đồng đến thời khắc khai mạc lần thứ 31. Rồng thiêng bay lên tái hiện một huyền thoại của địa linh nhân kiệt và những kỳ tích của đất thiêng Thăng Long - Hà Nội, nơi diễn ra lễ khai mạc Đại hội.

“Việt Nam xin chào” là chủ đề màn biểu diễn nghệ thuật, võ thuật kết hợp với công nghệ mapping của số lượng lớn diễn viên, VĐV diễn tả tinh thần võ công -văn trị và yêu lao động nhân ái và đoàn kết của người Việt nam sẵn sàng hoà mình vào biển lúa phồn vinh của cả khu vực Đông Nam Á, chung tay tạo nên những mùa vàng của ấm no và hòa bình.

“Đông Nam Á mạnh mẽ”. Khu vực Đông Nam Á là một ngôi nhà chung với những căn cước văn hóa đặc thù, sự gắn kết của những nền văn minh tinh hoa và giàu bản sắc truyền thống sẽ luôn đoàn kết, gắn bó và cùng nhau phát triển. Việt Nam mong muốn SEA Games 31 sẽ thực sự trở thành điểm hội tụ của tình đoàn kết, của ý chí vươn lên và tinh thần hợp thiện trong bối cảnh hòa bình thế giới gặp nhiều biến động vô cùng phức tạp. Sự đoàn tụ tay trong tay của các nước Đông Nam Á ngày hôm nay thể hiện cho sự trường tồn, thủy chung, hòa hợp để hướng tới sự phát triển bền vững: tôn trọng thiên nhiên, ổn định chính trị, đoàn kết trong sự nhân văn, bác ái để hướng tới sự phồn vinh của cộng đồng các nước Đông Nam Á hôm nay và mai sau.

Đường đến Việt Nam là màn biểu diễn tôn vinh vẻ đẹp nội tâm của Đông Nam Á, tinh hoa của văn minh lúa nước, của tâm linh - và căn cước văn hoá Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á mở ra một con đường đầy cảm xúc bằng vẻ đẹp dịu dàng, nhân văn của những cô gái Việt, qua tà áo dài và chiếc nón lá để chào đón sự xuất hiện của các đoàn thể thao tiến vào lễ đài.

Kết thúc lễ khai mạc sẽ là phần biểu diễn nghệ thuật có chủ đề “Đông Nam Á tỏa sáng”, gồm các tiết mục: Chung một dòng chảy: Một màn múa và võ thuật với số lượng lớn các vận động viên, diễn viên thể hiện hình tượng con thuyền Đông Nam Á cùng nhau vượt qua mọi sóng gió, thăng trầm, biến động của lịch sử để cùng nhau đoàn kết, vươn ra biển lớn, cùng nhau chào đón ánh bình minh rực rỡ.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết: “Cảm xúc của tôi giờ thật khó tả, có thể nói áp lực, nhưng rất hạnh phúc bởi không chỉ mình tôi, mà còn rất đông đồng đội, những nghệ sĩ sáng tạo và tất cả khoảng 1.000 diễn viên, vận động viên đã cùng chung sức trong 2 tháng qua.

Cả ê-kip sáng tạo, các diễn viên và vận động viên đã tập luyện rất nhiều ngày, mọi người cũng khá mệt nhưng tất cả đều chung suy nghĩ chúng ta đang nỗ lực làm điều gì đó thật xứng đáng và màn lại tự hào cho đất nước! Đó là hình ảnh của tuổi trẻ cống hiến, cũng là những ngày tháng rực rỡ của chúng tôi”.

Tổng đạo diễn Trần Ly Ly cho biết: Màn đầu tiên của chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31 có hình ảnh cây Tre với biểu tượng sức sống mãnh liệt, sự đoàn kết, bền vững, dẻo dai, bất khuất của người Việt Nam. Màn múa Sen, biểu tượng của sự tinh khiết, sự trong sáng, bao dung, thể hiện tinh thần thể thao và cũng là tinh thần chung của người Việt.

Tại Lễ khai mạc SEA Games 31 này có màn biểu diễn được kỳ vọng mang lại sự xúc động mạnh mẽ. Đó là chung một dòng chảy, 11 con thuyền Đông Nam Á cùng tiến ra biển lớn.

“Đây là tinh thần chung, chúng ta hân hoan để cùng tỏa sáng với tất cả 11 nước anh em, 54 dân tộc Việt Nam và rất nhiều linh vật của Đại hội Thể thao Đông Nam Á, thể hiện một Việt Nam thân thiện và lay động lòng người”, Nghệ sĩ Trần Ly Ly chia sẻ.

Ngọn đuốc của Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games lần thứ 31 đã sáng trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, ngọn đuốc này sẽ cháy từ nay cho đến kết thúc Đại hội. Hy vọng các đoàn thể thao của các quốc gia Đông Nam Á đạt được thành tích tốt nhất và có nhiều kỷ niệm với đất nước Việt Nam mến khách.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top