Lâm Đồng đang khởi động quảng bá và phát triển thương hiệu “DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, chè và du lịch nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước. Từ đây, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy điều kỳ diệu trong từng sản vật Đà Lạt khi nhìn, nếm, cảm nhận…
Thương hiệu “DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giúp khách hàng nhận biết dễ dàng hơn giá trị các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng.
Miền đất của sản phẩm mục tiêu
Theo thống kê, tổng diện tích rau Đà Lạt và các vùng phụ cận (gọi chung là rau Đà Lạt) đạt gần 55.000ha, tổng sản lượng tiệm cận 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 15% tổng sản lượng rau cả nước.
Theo đánh giá của Tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam, rau Đà Lạt có lợi thế so sánh đặc biệt nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng. Ước tính, 80% sản lượng rau Đà Lạt được đưa về khu vực chợ đầu mối và chợ bán lẻ, 13% tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và 7% còn lại chế biến xuất khẩu…
Hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận với diện tích hơn 7.000ha, tổng sản lượng năm 2016 chạm mức 2,5 tỷ cành, chiếm 70% tổng sản lượng hoa cả nước. Chị Linh, chủ tiệm hoa khu vực chợ Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi ưu tiên cung cấp hoa Đà Lạt vì chất lượng tốt, nhiều màu sắc, hoa nở lớn, cắm được lâu hơn”.
Hai sản phẩm mục tiêu tiếp theo là cà phê Arabica và chè, mỗi cây trồng phát triển ổn định diện tích khoảng 24.000ha trong 4 năm tới. Nhờ lợi thế so sánh khá đặc biệt của vùng khí hậu cao nguyên Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, người nông dân xuất khẩu sản phẩm cà phê Arabica và chè đến nhiều thị trường quen thuộc như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore…
Sản phẩm mục tiêu thứ 5 ở Đà Lạt là du lịch nông nghiệp với quy mô hiện tại 5,4 triệu du khách/năm. Khảo sát của JICA cho thấy, tỷ lệ khách tham quan gồm 60% cặp đôi đã kết hôn đến Đà Lạt lưu trú từ 2- 3 ngày để trải nghiệm các hoạt động trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch ở nông trại; 40% số khách còn lại chủ yếu thưởng ngoạn cảnh quan sản xuất nông nghiệp, mua quà đặc sản, chụp hình lưu niệm…
Mang theo điều kỳ diệu
Dẫu vậy, khi nhìn tổng thể, tiềm năng của sản phẩm du lịch nông nghiệp Lâm Đồng vẫn chưa được phát huy mang lại hiệu quả tương xứng. Qua thăm dò, điều không hài lòng nhất của khách du lịch nông nghiệp là không tiếp cận được thông tin quảng bá. Cụ thể, một nhà điều hành sản xuất hoa công nghệ cao ở Đà Lạt nêu ý kiến: “Chúng ta vẫn đang thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp để cung cấp thông tin cho khách du lịch nông nghiệp Đà Lạt”.
Trước đó, nhóm tư vấn của JICA đã phỏng vấn ngẫu nhiên 70 khách hàng mục tiêu là người tiêu dùng nữ tại nhiều kênh siêu thị tiêu thụ rau Đà Lạt, kết quả cho thấy, có 36% người được hỏi không biết dấu hiệu nhận biết sản phẩm rau Đà Lạt, trong khi đó chỉ 1% còn nghi ngờ về chất lượng không đảm bảo an toàn.
Chủ trương đưa 5 sản phẩm mục tiêu nói trên trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng thông qua, thể hiệu ở ý tưởng thương hiệu “DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành” do JICA tư vấn, đề xuất. Theo đó, sứ mệnh của thương hiệu này luôn mang đến những điều kỳ diệu của Đà Lạt đến với mọi khách hàng trong nước và quốc tế, gồm những giá trị về di sản văn hóa, thiên nhiên, con người; những sản phẩm nông nghiệp luôn được kiểm soát chất lượng an toàn, nâng cao sức cạnh tranh.
Để hiện thực hóa điều kỳ diệu từ đất lành Đà Lạt, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng dự kiến đầu tư 500.000USD để tổ chức truyền thông quảng bá, quản lý thương hiệu và kiểm soát chất lượng 5 sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, chè và du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương.
Sở Công Thương Lâm Đồng là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền thành phố Đà Lạt và 4 huyện vừa nêu để thống nhất cùng đề xuất thành lập Ban quản lý thương hiệu “DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Thương hiệu “DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã chính thức được khởi động. Người tiêu dùng hoàn toàn không còn phải lo lắng như đã gạch dấu chéo ô “không hài lòng về dấu hiệu nhận biết sản phẩm” rau, hoa, chè, cà phê Arabica và du lịch nông nghiệp Đà Lạt và vùng phụ cận.
Văn Việt
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.