Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 5 năm 2022 | 9:24

Sử dụng phân bón hợp lý: Giải pháp phát triển nghề vườn bền vững

Bón phân hợp lý và đúng cách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề làm vườn nói riêng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, tại nước ta, việc sử dụng, lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học vẫn còn phổ biến, cần có những giải pháp nhằm cải thiện tình hình.

“Dựa dẫm” phân bón vô cơ và hệ lụy

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn (7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ); ngoài ra, có khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

 

22a.jpg
Hướng dẫn sản xuất phân hữu cơ ở Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Hà Khánh

  

Tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,4% (19.693 sản phẩm), phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học)  19,6% (4.798 sản phẩm). Sau hơn 3 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý phân bón, cơ cấu số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ tăng từ  6,3% lên  19,6% và số lượng sản phẩm phân bón vô cơ giảm từ 93,7% xuống còn  80,4%.

Lượng phân bón sử dụng trung bình bao gồm cả vô cơ và hữu cơ là 753 kg/ha gieo trồng. So với một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước sử dụng phân bón cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.

Phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều thập kỷ qua, phân bón vô cơ đã góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, bảo vệ cây trồng, qua đó bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, phân bón đóng vai trò quan trọng trong tăng 40-60% sản lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu. Do vậy, nhiều nước vì thiếu đất sản xuất và áp lực tăng dân số đã phải chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu “dựa vào đất và phân bón hữu cơ” sang nền sản xuất “dựa vào phân bón vô cơ”.  

Tuy nhiên, việc “dựa dẫm” vào phân bón vô cơ cũng để lại nhiều hệ lụy, trong một thời gian dài, để nâng cao năng suất, bảo vệ cây trồng, nông dân đã lạm dụng phân bón vô cơ, qua đó làm tăng chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, ô nhiễm môi trường, để lại dư lượng trên nông sản, từ đó làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa ra ý kiến trước tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cho biết, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón tăng cao, việc sử dụng phân bón vô cơ tại nhiều vùng cao hơn mặt bằng cả nước và một số nước trong khu vực cũng như nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng, Cục đã tổ chức nhiều hội nghị và tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản, chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có Chỉ thị số 653.

“Nghề làm vườn hiện nay chủ yếu liên quan đến trồng cây ăn quả. Trái cây là mặt hàng tăng nhanh nhất về kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 năm gần đây, giá trị gia tăng của xuất khẩu trái cây tăng hơn 30%, riêng năm 2021, xuất khẩu trái cây đạt trên 4 tỷ USD. Với tiềm năng xuất khẩu như vậy, việc sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, cân bằng giữa phân bón vô cơ và hữu cơ trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón là vấn đề cấp thiết hiện nay. Chi phí phân bón chiếm 40 - 60% trong giá thành sản xuất và đang tăng dần kể từ năm 2020. Hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao gây thất thoát về kinh tế, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng nông sản và gia tăng phát thải khí nhà kính.

Sử dụng phân bón thế nào cho hiệu quả?

GS.TS Nguyễn Văn Bộ đánh giá, hiện đang có sự mất cân bằng trong sử dụng phân vô cơ và hữu cơ khi hàng năm Việt Nam sử dụng 7,5 - 8 triệu tấn phân bón vô cơ, 2,5 - 2,6 triệu tấn phân bón hữu cơ. Sự chênh lệch này cũng gây phí phạm các nguồn hữu cơ, trong khi phân bón vô cơ có tác dụng nhanh, có tính chuyên dùng, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển với tốc độ cao, bội thu năng suất lớn thì phân bón hữu cơ lại có tác dụng đa chiều, đa chức năng và chậm hơn. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cân đối đa, trung, vi lượng (mà phân vô cơ không có được), phân hữu cơ còn bổ sung chất hữu cơ và các vi sinh vật có ích cho đất. Nhờ đó, độ phì nhiêu của đất được cải thiện, hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ được nâng cao, mức độ độc hại của sắt, nhôm cũng được giảm nhẹ.

 

22b.jpg
Sử dụng phân bón hữu cơ trồng rau mầm tại Trang trại nông nghiệp HB, xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn - TP .Hồ Chí Minh).

  

Tuy nhiên, sử dụng phân hữu cơ cũng có những nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường như tích lũy kim loại nặng, vi sinh vật độc hại (trứng giun, E. Coli…) hay quá trình phú dưỡng nguồn nước.

Do vậy, theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, để phân bón phát huy hiệu quả trên cây trồng, cần cân đối giữa hữu cơ và vô cơ. Trong khi ưu thế của hai loại phân bón đều rất khác biệt, việc lạm dụng sử dụng một trong hai loại đều sẽ mang hiệu quả tiêu cực cả về mặt kinh tế và môi trường.

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng để vừa đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, vừa góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Do vậy, cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới, có hiệu quả sử dụng cao sẽ là rất cần thiết.

Cùng với đó là sử dụng phương pháp tuần hoàn canh tác, trong đó bao gồm tuần hoàn chất hữu cơ và chất dinh dưỡng. Trong hệ canh tác tuần hoàn cũng có thể thấy mô hình vườn - ao - chuồng và vườn - ao - chuồng - rừng, trong đó, chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản... Vòng tròn cứ như vậy khép kín năm này qua năm khác.

Hiện nay, nguồn phụ phẩm nông nghiệp hàng năm rất lớn, riêng ngành trồng trọt, chăn nuôi tạo ra  trên 200 triệu tấn phế, phụ phẩm. Vì vậy, Hội Làm vườn Việt Nam đang thúc đẩy vào sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất, giúp giải quyết vấn đề rác thải môi trường cũng như tăng nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất.

TS. Phạm Đồng Quảng, Tổng thư ký - Chánh văn phòng Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ là một giải pháp để phát triển nghề làm vườn bền vững.

Theo TS. Quảng, nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ được làm từ phế phụ phẩm sản xuất nông nghiệp như: thân, lá, rơm rạ, trấu; vỏ hoa quả, hạt cà phê, mùn cưa, sọ dừa, xơ dừa; tro, than; bã bia, đậu, sắn; cám gạo, ngô... Đặc biệt, xét về khía cạnh kinh tế, phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây trồng (dinh dưỡng đa lượng (N, P, K), trung lượng, vi lượng, đặc biệt cung cấp axit humic, vitamin, auxin, axitamin, chất kháng sinh...); dinh dưỡng được phân giải từ từ sang dạng dễ tiêu, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt; vườn cây bền, ổn định.

Vườn cây được bón phân hữu cơ cho sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nên giá bán cao hơn, thu hút người tiêu dùng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bón phân hữu cơ sẽ giảm, thậm chí không cần sử dụng phân hóa học, hiện giá bán đang ở mức cao, giúp giảm chi phí cho nhà vườn; dùng phân bón sản xuất tại chỗ còn bớt chi phí vận chuyển.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top