Ngày 13/10, Công an TP.HCM cho biết đang tạm giữ 6 đối tượng có liên quan đến việc sản xuất và buôn bán hàng chục ngàn lít dầu nhớt giả nhớt giả tại quận 8 để điều tra mở rộng vụ án.
6 đối tượng Cơ quan Công an TP.HCM đang tạm giữ gồm: Ngô Đình Đông, Mai Hữu Phúc, Nguyễn Văn Điệp, Đoàn Quang Khánh, Trịnh Duy Khiêm và Lê Quang Đạt.
Trước đó, ngày 11/10, các trinh sát đội 7 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an TP.HCM (PC46) đã bắt quả tang Ngô Đình Đông khi đang điều khiển xe tải BS 51D-206.72 đi từ đường Nguyễn Thị Lý (xã Xuân Thới Sơn, H. Hóc Môn) đến chành xe 7979 trên đường Võ Văn Kiệt (P.16, Q.8) đang vận chuyển 3 thùng phuy loại 200 lít, 30 thùng loại 18 lít dầu nhớt nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Đối tượng Mai Hữu Phúc (ảnh CAND)
Bước đầu Đông khai nhận số dầu nhớt trên là hàng giả do Mai Hữu Phúc sản xuất tại địa chỉ nhà trên đường Nguyễn Thị Lý. Từ lời khai của Đông, cơ quan công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi sản xuất, kho chứa hàng, nơi bán hàng của đường dây sản xuất dầu nhớt giả này.
Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ môtơ dùng để đảo nhớt cùng lượng lớn nguyên liệu, vỏ thùng, vỏ chai… dùng cho việc sản xuất nhớt giả.
Tại nhà số 370 Thoại Ngọc Hầu, Cơ quan Công an thu giữ 1 xe tải, 50 thùng dầu hộp số các loại, 1656 bình nhớt dung tích 800-1000ml các loại, 14 bao tải và thùng cac-tông chứa nhãn mác, nắp, vỏ hộp dầu nhớt các loại.
Tại trụ sở công ty TNHH Ngọc Điệp (số 334 Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) do Nguyễn Văn Điệp làm chủ, cơ quan công an phát hiện trên 2600 lít nhớt các loại đủ các dung tích và 5 thùng loại 12 lít nhớt hộp số. Điệp thừa nhận là nơi tiêu thụ hàng hóa của Phúc. Khám xét một số địa điểm khác liên quan tại Q.6, Q. Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, cơ quan công an thu thêm nhiều máy ép bao bì, máy in lụa, máy ép nắp, máy nén khí…
Bước đầu, Mai Hữu Phúc khai nhận cùng một số đối tượng tổ chức sản xuất vỏ bao bì, chai, thùng phuy, in ấn các loại nhãn mác giả các thương hiệu dầu nhớt nổi tiếng rồi đưa qua cho xưởng của Đoàn Quang Khánh.
Nghệ An: Hơn 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng được tuồn ra thị trường
Ngày 10/10, Phòng PC46 - Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở KH&CN Nghệ An và Cục A71 Bộ Công an phá thành công chuyên án bí số 917XD, làm rõ đường dây làm giả xăng "bẩn" bán ra thị trường.
Theo đó, ban chuyên án đã phát hiện Công ty TNHH Thanh Ngũ ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, (Nghệ An) đang đổ chất dung môi từ bồn xe téc BKS 37C - 7512 vào bồn xăng tại điểm kinh doanh bán xăng dầu cho khách hàng.
Kiểm tra tại chỗ, cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở này có 2 lọ bột tạo màu; 2 bể chứa xăng: Bể thứ nhất chứa 3.000 lít xăng A92, bể thứ 2 chứa 7.000 lít xăng A92.
Lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng đổ chất dung môi để sản xuất xăng A92 giả (ảnh VOV)
Bà Vũ Thị Thanh, chủ doanh nghiệp Thanh Ngũ thừa nhận bể chứa 7.000 lít xăng A92 đã được pha với chất dung môi theo tỷ lệ: 50% xăng A92 + 50% chất dung môi + bột tạo màu tạo thành xăng giả A92 kém chất lượng.
Qua đấu tranh cơ quan chức năng làm rõ, chiếc xe chở chất dung môi trên là của doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, (Nghệ An). Tài xế xe đã khai nhận chở chất dung môi từ TP Cần Thơ về trên xe bồn có dung tích 40.000 lít.
Từ thông tin này, ban chuyên án đã kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục thì tiếp tục phát hiện trong 2 bể chứa có khoảng hơn 10.000 lít xăng A92 kém chất lượng, thu 1 lọ bột tạo màu cho xăng.
Bước đầu doanh nghiệp Kiên Lục thừa nhận, từ tháng 8/2017 đến nay, doanh nghiệp đã mua 320.000 lít chất dung môi. Trong đó, doanh nghiệp này bán cho công ty Thanh Ngũ 160.000 lít, phần còn lại Tuấn chỉ đạo pha với xăng A92 (nguyên chất) với dung môi, chất tạo màu để thành loại xăng A92 kém chất lượng.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, tổng số lượng chất dung môi mà Công ty Kiên Lục bán cho các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Nghệ An, để pha chế và đã xuất bán ra thị trường Nghệ An là hơn 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng.
PV
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.