Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Cũng từ đây, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trở thành bài toán khó của địa phương. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định di dời hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Quyết tâm xử lý vi phạm về môi trường
Tính đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.739 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ 57,85% so với lộ trình đến hết năm 2024. Trong đó, một số huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn như: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc… đã thực hiện tốt việc di dời cơ sở chăn nuôi hoặc tăng cường xử lý vi phạm về môi trường trong chăn nuôi.
Cụ thể như huyện Thống Nhất, chỉ tính riêng năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chăn nuôi với 105 trường hợp, tổng số tiền thu phạt trên 2,1 tỷ đồng. Thời gian qua, huyện rất tích cực tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Nhờ đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra, giám sát về môi trường trong chăn nuôi tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, toàn huyện có 74 cơ sở chăn nuôi phải thực hiện di dời. Đến nay, đa số các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn không đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn đã ngưng chăn nuôi hoặc di dời. Những cơ sở, trang trại còn lại chủ yếu là các hộ chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ; dự kiến đến đầu năm 2025 sẽ di dời hết số cơ sở này theo đúng lộ trình của tỉnh.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất tích cực tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nên vấn đề môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Đa số các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất quan tâm thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nhờ đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các địa phương không khuyến khích nhân rộng chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát giết mổ lậu, gây mất an toàn thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ để đảm bảo về môi trường
Tác động môi trường từ hoạt động chăn nuôi gồm các chất có mùi phát sinh từ phân, nước thải gây ô nhiễm không khí. Xử lý nước thải trong chăn nuôi cũng là bài toán khó. Đặc biệt, lượng phân thải ra môi trường trong chăn nuôi rất lớn.
Nhằm giải quyết bài toán môi trường, ngành chăn nuôi của Đồng Nai đã nỗ lực chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo về môi trường. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Trong đó, những trại chăn nuôi heo, gia cầm có quy mô lớn đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đặc biệt, họ đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học, nguồn phân trong chăn nuôi được xử lý thành phân chuồng sử dụng trong trồng trọt.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, khoảng 65% tổng đàn heo, 49% tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh hiện được áp dụng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, có 27,5% tổng số trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có gần 84% cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Trại nuôi vịt giống với quy mô tổng đàn 7 ngàn con vịt giống bố mẹ của bà Nguyễn Thị Kim Anh ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) là một trong những trang trại ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tại địa phương. Đặc biệt, trang trại được đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học, nguồn phân trong chăn nuôi được xử lý thành phân chuồng sử dụng trong trồng trọt.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra về môi trường trong chăn nuôi. Tỉnh rất quan tâm đến thực hiện chăn nuôi giảm phát thải. Một số tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi. Những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường phải ngưng chăn nuôi theo lộ trình. Ngoài ra, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, diễn đàn đưa ra các giải pháp chăn nuôi an toàn, trong đó trọng tâm là chăn nuôi bảo vệ môi trường.
Khuyến khích nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ
Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chỉnh quyền, các sở, ban ngành nhằm thực hiện “phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đến nay, các địa phương của Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiến tới làm nông nghiệp hữu cơ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm đạt được nhiều kết quả quan trọng: nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 59.754 ha, chiếm 31,27% diện tích cây trồng cạn; 3.002,5 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, tăng 12,5 ha so năm 2023; ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng tại Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú…; 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ứng dụng máy thu hoạch đối với bắp cây, bắp lấy hạt và đậu các loại; khoảng 65% đàn heo, 49% đàn gà được chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 83,91% cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh; 125 trang trại, 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, với quy mô hàng năm cung cấp ra thị trường tương đương 88,1 nghìn tấn thịt heo (chiếm 18,36% sản lượng thịt heo), 32,2 ngàn tấn thịt gà (chiếm 18,53% sản lượng thịt gà), 283,2 triệu quả trứng (chiếm 22,59% sản lượng trứng gà toàn tỉnh)…
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; tham gia đầu tư sản xuất hữu cơ có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Tại huyện Thống Nhất, địa phương đã lập quy hoạch được 9 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích gần 71ha. Về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện đã triển khai thực hiện 14 mô hình với 67 điểm trình diễn. Trong đó, 1 mô hình trồng bưởi đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; mô hình làm du lịch sinh thái gắn với sản xuất hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3 đang đề xuất cấp giấy chứng nhận. Hai mô hình trên đều được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng bằng khen.
Ngoài ra, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học (IMO) được thực nghiệm và chuyển giao cho hơn 250 hộ nhằm giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình canh tác. Người dân tự ủ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; sử dụng các sản phẩm như: sả, gừng, ớt… làm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống 20%. Tại huyện Vĩnh Cửu, địa phương chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, sản xuất theo hướng hữu cơ được nông dân và các hợp tác xã tích cực hưởng ứng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình điểm, các nhân tố mới về nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các ví dụ thực tế để động viên những người tham gia mới, từ đó hình thành một đội ngũ chất lượng làm việc trong lĩnh vực này nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.