Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2020 | 11:25

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau lũ lụt

Sau lũ lụt, loại dịch bệnh dễ xuất hiện nhất là bệnh Niu-cát-xơn ở gà (người dân hay gọi là bệnh gà rù hay cú rụ); bệnh này do vi-rút gây ra nên không có thuốc để điều trị, gà mắc bệnh sẽ chết trong vòng 7-10 ngày.

qb.jpg

Sau mưa lũ, bệnh cúm gia cầm, tả dễ phát sinh trên gia súc, gia cầm.

 

Bên cạnh đó, các bệnh dễ phát sinh, như: tụ huyết trùng và cúm gia cầm; bệnh tả ở vịt; lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò; dịch tả, phó thương hàn và LMLM ở lợn.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, cho biết, để hạn chế mầm bệnh phát sinh lây lan, Chi cục đã có công văn hướng dẫn cụ thể một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ.

Cụ thể, đối với đàn gia súc, gia cầm (GSGC), người chăn nuôi cần tổ chức thu gom toàn bộ bùn đất, phân, chất thải, rác thải, quét dọn, lau chùi… tại khu vực chuồng nuôi và khu vực tiếp giáp xung quanh; rắc vôi, đóng vào bao hoặc đào hố ủ phân; thu gom, xử lý GSGC chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Sau đó, các hộ chăn nuôi phải tiến hành tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng (VSTĐKT) môi trường đại trà với tinh thần nước rút tới đâu thì VSTĐKT tới đó nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh tồn tại và phát triển. Cần phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh liên tục 1 lần/2 ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên bằng các loại hóa chất thuộc danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, như: Benkocid, Han-Iodine, Vinadin, Virkon...

Ngoài ra, người chăn nuôi vẫn phải tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc-xin; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng khẩu phần ăn để nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho đàn vật nuôi; thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh GSGC, đặc biệt là các vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ để kịp thời xử lý.

Đối với thủy sản nuôi, người dân cần thu gom, xử lý thủy sản bị chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường tại ao, đầm, nơi đặt lồng bè hoặc di chuyển lồng bè đến nơi thích hợp. Các hộ nuôi cũng cần bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; sử dụng thuốc, hóa chất tiêu độc khử trùng để xử lý môi trường ao nuôi, hệ thống cấp nước sau mưa lũ.

Ông Nguyễn Quang Dương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh cho GSGC đạt hiệu quả, nhất là trong mùa mưa bão, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc GSGC trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi. Những công việc này cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh GSGC và hạn chế mức thấp thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 

 

Lê Mai
Ý kiến bạn đọc
Top