Nhiều dự án do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh Đô làm chủ đầu tư để lại nhiều điều tiếng trong dư luận, đặc biệt là sai phạm về xây dựng, sự thờ ơ với công tác PCCC, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư liên quan đến hàng loạt vấn đề...
“Lùm xùm” thay đổi kết cấu dự án
Được khởi công năm 2004, Kinh Đô Building tại 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) được coi là một trong những dự án đầu tiên của Kinh Đô TCI tại Hà Nội. Năm 2006, chủ đầu tư xây dựng vượt tầng so với giấy phép xây dựng được cấp, chủ đầu tư làm việc theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, sau khi xây xong và bán cho khách hàng, Kinh Đô TCI mới hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khiến khách hàng khá bức xúc.
Tháng 8/2011, Kinh Đô triển khai các hạng mục hoàn thiện tầng 30 để làm văn phòng làm việc của công ty thì một số hộ dân làm đơn tố cáo chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng và quy định trong quản lý vận hành tòa nhà chung cư gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngay sau đó, UBND phường Phạm Đình Hổ có Quyết định số 52/QĐ-UBND đình chỉ thi công tại tầng 30 này. Đến nay, việc xây dựng tầng 30 vẫn bị đình chỉ thi công.
Vào năm 2015, dự án 8B Lê Trực vướng vào “lùm xùm” trong việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc. Đến nay, việc “cắt ngọn” dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Chưa dừng lại ở đó, một dự án khác của Kinh Đô TCI là Discovery Complex (302 Cầu Giấy) cũng xảy ra nhiều vấn đề lớn như nợ tiền thuê đất, xây vượt tầng, sử dụng đất sai mục đích. Tháng 11/2015, UBND quận Cầu Giấy ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc công ty nộp phạt 80 triệu đồng và làm thủ tục xin điều chỉnh GPXD...
Sống trong lo sợ cháy nổ
Ngoài những sai phạm trên, một trong những vấn đề gây bức xúc cho cư dân là công tác PCCC nhiều dự án của Kinh Đô TCI.
Lo lắng cho tính mạng của chính mình sau vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều cư dân sinh sống tại Capital Garden (102, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (đơn vị thành viên của Kinh Đô TCI Group) làm chủ đầu tư, đã đồng loạt căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện, nghiệm thu an toàn PCCC theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Giang, đại diện cho hàng trăm cư dân đang sinh sống Capital Garden, cho biết, đây không phải là lần đầu tiên cư dân tổ chức phản đối chủ đầu tư. Giữa tháng 6/2017, hàng trăm hộ dân tại đây đã tiến hành căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành hệ thống PCCC.
“Cơ quan PCCC của Hà Nội đã nhiều lần đến đây kiểm tra và kết luận rằng hệ thống PCCC của chủ đầu tư là Công ty Kinh Đô vẫn chưa đủ và chưa đạt chuẩn để đưa vào sử dụng. Thời điểm hiện tại, nếu xảy ra tình trạng cháy nổ như chung cư Carina, chúng tôi lo rằng tổn thất về người và tài sản còn lớn hơn rất nhiều”, anh Giang lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi bàn giao, tại đây từng xảy ra hỏa hoạn ở tầng 15 mà hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động.
Cư dân cũng đề nghị UBND quận Đống Đa và các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng thời có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư thờ ơ với công tác PCCC để tạo sự răn đe, làm gương cho các doanh nghiệp khác.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.