Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo TP.HCM, UBND Thành phố Thủ Đức đã có nhiều kiến nghị với UBND thành phố, đáng chú ý là đề xuất về lĩnh vực đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Với đề xuất này, theo UBND TP.Thủ Đức là để tạo sự chủ động trong công tác thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay do UBND TP.HCM phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Sở TN&MT. Do đó, để tạo sự chủ động trong vấn đề nói trên, UBND TP Thủ Đức kiến nghị TP.HCM đề xuất Trung ương phân cấp cho UBND Tp.Thủ Đức được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án triển khai trên địa bàn Thủ Đức.
Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp để lại 100% nguồn thu tiền sử dụng đất cho UBND TP.Thủ Đức. Sở dĩ có đề xuất này, chính quyền Tp.Thủ Đức cho rằng theo quyết định 54/2016 của UBND Tp.HCM, các quận huyện không được hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất mà phải nộp về ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thực hiện đầu tư công của TP.Thủ Đức là rất lớn. Do vậy, để có nguồn vốn đầu tư phát triển, UBND Tp.Thủ Đức kiến nghị được giữ lại toàn bộ nguồn tiền này.
Cũng ở lĩnh vực tài chính – đầu tư, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị được sử dụng 100% nguồn thu được từ đấu giá tài sản, trụ sở công sản dư dôi sau khi sắp xếp.
Qua rà soát, các địa chỉ nhà đất do TP.Thủ Đức quản lý thì có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư với 21.520m2, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng và phúc lợi xã hội. Dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn tất bán đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỉ đồng sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương.
Ngoài ra, TP.Thủ Đức cũng kiến nghị hình thành một số trung tâm mới như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Khoa học Công nghệ, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Công tác xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.