Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2019 | 22:19

Thanh Sơn: Nghi vấn khai thác đất trái phép

Dự án cải tạo, nâng cấp và xử lý cải thiện môi trường bãi rác thải sinh hoạt huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (giai đoạn I) có dấu hiệu doanh nghiệp ngoài vào khai thác khoáng sản trái phép...

Được biết, dự án: Cải tạo nâng cấp, xử lý cải thiện môi trường bãi rác thải sinh hoạt huyện Thanh Sơn trên địa bàn xã Sơn Hùng có công suất thu gom và xử lý rác là 45 tấn/ngày. Các hạng mục của dự án gồm: Khu chôn lấp rác thải, khu xử lý nước rác, khu phụ trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thu gom vận chuyển rác thải với tổng mức đầu tư là 49.769.588.000 đồng.Nguồn vốn của dự án được thực hiện theo Văn bản số 5953/BTNMT-KH ngày 16/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (chi sự nghiệp môi trường năm 2017 của các Bộ, ngành, địa phương) và được phê duyệt giai đoạn 1 là 22.123.071.000 đồng. Trong đó, gói thầu số 05: Thi công xây dựng + cung cấp, lắp đặt thiết bị (giai đoạn I) được phê duyệt dự toán là 17.995.945.000 đồng, được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý các chương trình, dự án về quy hoạch và đầu tư huyện Thanh Sơn.
 
Tại buổi mở thầu ngày 28/8/2018, có 3 nhà thầu tham gia gồm: Công ty THHH MTV đầu tư và xây dựng Bằng Ninh, Công ty Cổ phần Đông Đô và Công ty TNHH xây dựng Soi Sáng. Ngày 6/9/2018, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, ông Nguyễn Văn Mạnh ký Quyết định số 3234/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 05. Theo đó, Công ty THHH MTV đầu tư và xây dựng Bằng Ninh (địa chỉ tại tổ 22, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng) trúng thầu với giá 17.963.335.000 đồng còn Công ty Đông Đô, Soi Sáng trượt thầu do không đáp ứng về mặt kỹ thuật.
 
Tuy nhiên, thông tin từ người dân thuộc Đội 4, xóm Tranh, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ phán ánh. Hàng loạt xe chở đất thải từ dự án - Cải tạo, nâng cấp và xử lý cải thiện môi trường bãi rác thải sinh hoạt huyện đổ lấp vô tội vạ khắp nơi.
 
Tình trạng xe tải đổ đất thải trái phép như thế này đã diễn ra nhiều tháng nay, bắt đầu từ cuối năm ngoái khi Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Bằng Ninh thi công dự án xây dựng bãi rác thải của huyện ở xã Sơn - Một người dân cho biết: Đây là một trong những dự án rất lớn của huyện, có nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục tỉ đồng nhưng việc thi công của nhà thầu rất cẩu thả.
 
Theo thông tin từ báo GiadinhNet đăng tải gần đây, được biết “10 chiếc xe ô tô tải, trong đó nhiều chiếc dán logo “Thanh Nhàn” đang chở khoáng sản cao lanh về một số nhà máy chế biến thuộc xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, cách đó vài km mà không bị kiểm tra bởi bất cứ cơ quan chức năng nào.”
 
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên được một người đàn ông tự xưng tên là Thắng, chủ doanh nghiệp Thanh Nhàn đề nghị đứng lại “nói chuyện cho rõ”. Người đàn ông này cho biết, giữa công ty Thanh Nhàn và Công ty Bằng Ninh (đơn vị thi công dự án bãi rác thải) có hợp đồng về vận chuyển đất thải từ nhiều tháng qua. Ông Thắng cho biết, đúng là những chiếc xe của ông có vận chuyển cao lanh nhưng “chủ yếu là tận thu chứ không lời lãi được bao nhiêu”. Khi chúng tôi hỏi giữa công ty ông và nhà thầu Bằng Ninh có hợp đồng về việc vận chuyển đất thải hay không thì ông Thắng cho biết chỉ là “hợp đồng bằng miệng”. “Nhà anh có 6 xe nhưng bị hỏng mất 2 xe, chỉ có 4 xe vận chuyển thôi. Còn mấy xe khác thì anh không biết”, ông Thắng nói thêm.Một số người dân sống hai bên đường từ công trình đến nhà máy cao lanh ở xã Giáp Lai cho biết, những chiếc xe tải mang logo Thanh Nhàn vận chuyển cao lanh từ sáng đến tối. “Những chiếc xe trọng tải hàng chục tấn chở cao lanh chạy suốt ngày gây ô nhiễm môi trường, rất mất an toàn nhưng không hiểu sao công an và cơ quan chức năng không hề xử lý”, một người dân bức xúc.
b.jpg
Công trình thi công, xây dựng dự án: Cải tạo, nâng cấp và xử lý cải thiện môi trường bãi rác thải sinh hoạt huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (giai đoạn I) - Ảnh: theo Báo GiadinhNet.
Trả lời báo GiadinhNet, ông Trần Quang Thành, Trưởng ban QLDA về quy hoạch và đầu tư huyện Thanh Sơn cho biết, ông không biết có cao lanh trong quá trình thi công dự án và ông cũng tỏ ra ngạc nhiên về việc nhà thầu là Công ty Bằng Ninh cho doanh nghiệp bên ngoài vào khai thác cao lanh. Ông Thành nói, việc nhà thầu đổ đất thải lung tung là sai về quy trình nhưng nguyên nhân là do “đã hết chỗ đổ thải”.
 
Theo ông Thành, trách nhiệm của việc này là của đơn vị thi công giám sát thi công, nhưng khi Phóng viên đề nghị ông Thanh cung cấp tên đơn vị giám sát thì ông Thành lại… không nhớ. “Anh ít kiểm tra, không có thời gian để đi làm cụ thể về việc này”, “nhiều khi làm bài bản rất khó, chủ yếu tạo điều kiện cho anh em làm đúng tiến độ”, ông Thành nói thêm.
 
Khi chúng tôi đề nghị phía Ban quản lý cung cấp hồ sơ mời thầu và phương án xử lý đất thải của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu, ông Thành không cung cấp, đồng thời khẳng định: “Việc đổ như thế thì khẳng định là không ai cho như vậy. Về khoảng cách để đổ thì cách vài chục, vài trăm mét, nhưng ở đây, nhà thầu lại đổ bừa bãi không đúng quy định, đổ xa hơn so với hồ sơ”.
 
Liên quan đến việc doanh nghiệp Thanh Nhàn là đơn vị không liên quan đến đơn vị thi công nhưng lại vào vận chuyển đất thải và khai thác cao lanh trái phép, ông Thành cho rằng, có thể đơn vị này là nhà thầu phụ của Công ty Bằng Ninh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp tài liệu chứng minh doanh nghiệp Thanh Nhàn là nhà thầu phụ thì ông Thành cho biết… không có. Thông tin này cũng khá xác thực với người đàn ông tên Thắng, tự xưng là chủ doanh nghiệp Thanh Nhàn đã khẳng định trước đó là “giữa Thanh Nhàn và Công ty Bằng Ninh chỉ hợp đồng miệng”.
 
b1.jpg
10 chiếc xe ô tô tải, trong đó nhiều chiếc dán logo “Thanh Nhàn” đang chở khoáng sản cao lanh về một số nhà máy chế biến thuộc xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn - Ảnh: theo Báo GiadinhNet.
Theo thông tin mà phía ông Thành cung cấp, dự toán vận chuyển khối lượng đất thải khoảng hơn 1 tỉ đồng. Vậy câu hỏi đặt ra, việc nhà thầu Bằng Ninh đăng ký phương tiện vận chuyển chất thải trong hồ sơ dự thầu có trùng khớp với hàng loạt phương tiện khác đang thi công ngoài công trường hay không? Việc doanh nghiệp bên ngoài đến khai thác cao lanh trái phép không những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà có dấu hiệu của việc “bán thầu” trái phép của Công ty Bằng Ninh. Về những nghi vấn này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ mới thi công phần đơn giản mà nhà thầu đã gian dối, làm trái pháp luật thì phần quan trọng khác của dự án là xử lý ô chôn lấp rác, kết cấu thành đáy, kết cấu lớp chống thấm… cũng xảy ra hiện tượng tương tự thì nguy cơ về một công trình kém chất lượng đã hiện rõ.
 
Liên quan đến thông tin nhà thầu không đủ năng lực thi công dự án này, cũng như quá trình đấu thầu thiếu minh bạch, chúng tôi đã đề nghị ông Trần Quang Thành cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Bình Định: Đất tại khu vực dưới chân dốc Long Mỹ đang bị khai thác

Mỗi ngày, hàng trăm chuyến xe ben chở đất nối đuôi nhau ra vào trên trục đường từ mặt đường QL1A vào KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, khiến cho con đường luôn lầy lội, bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân hai bên đường, là sự báo động tình trạng khai thác đất rầm rộ tại xã Phước Mỹ thời gian qua.

Theo cán bộ địa chính xã Phước Mỹ thì khu vực núi phía cuối dưới chân dốc Long Mỹ, thôn Thanh Long đang bị khai thác lấy đất để phục vụ công trình Nâng cấp tuyến đường ĐT639B (đường phía Tây tỉnh). Thế nhưng, theo thông tin từ Báo TN&MT biết được, dự án nâng cấp đường phía Tây tỉnh cơ bản hoàn thành xong phần san lấp mặt bằng, đang hoàn thiện công đoạn còn lại, nhưng hoạt động khai thác đất vẫn diễn ra rầm rộ tại khu vực dưới chân dốc Long Mỹ.

Những chiếc xe mang tên của doanh nghiệp Như Ý, Minh Lai, Anh Tuấn và nhiều xe không mang tên hiệu vẫn chạy vào khu vực núi dưới chân dốc Long Mỹ thuộc thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ lấy chở đất ra ngoài, chạy theo hướng QL1A tỏa đi các nơi.

b3.jpg
Chiếc xe của một doanh nghiệp đang chuẩn bị chở đất ra ngoài (Ảnh: theo báo TNMT)

UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty TNHH Sản Xuất TM&DV Như Ý khai thác đất san lấp 02ha tại phía Bắc Đèo Long Mỹ phục vụ công trình nâng cấp, sữa chữa tuyến đường nội đồng xã Phước Mỹ, thực hiện công trình Khu tái định cư xã Phước Mỹ, công trình hầm đường bộ đèo Cù Mông, nhưng các công trình này đến nay đã hoàn thành, chỉ riêng công trình Khu tái định cư xã Phước Mỹ còn đang san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, xe của Công ty TNHH Sản Xuất TM&DV Như Ý khai thác chở đất tại thôn Thanh Long không đi hướng vào Khu tái định cư mà lại chạy ra hướng QL1A.

Cùng với xe doanh nghiệp Như Ý, xe Minh Lai, xe Anh Tuấn nhiều xe khác hoạt động khai thác đất tại dốc Long Mỹ, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ rầm rộ liên tục ngày đêm, kể cả canh trưa. Một người dân cho biết, những doanh nghiệp này mua đất của hai hộ dân có đất đồi dưới chân núi dốc Long Mỹ rồi khai thác từ nhiều tháng nay. Nghĩa là người dân không có nhu cầu sử dụng đất trồng cây lâm nghiệp lại đem bán cho doanh nghiệp khai thác đất dưới danh nghĩa phục vụ đất cho các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định đang đồng loạt triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Không chỉ khu vực núi dưới chân dốc Long Mỹ mà ngay trên đường dự án Nâng cấp tuyến đường ĐT639B (đường phía Tây tỉnh) tại thôn Thanh Long có con đường mòn chạy vào khoảng hơn 100m là khu vực đất bị doanh nghiệp nào đó đang khai thác với khối lượng đất hàng chục nghìn m3.

 

b4.jpg
Xe của các doanh nghiệp đang đứng chờ tới lượt múc đất chở ra ngoài (Ảnh: theo báo TNMT)

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho Công ty CP đầu tư tổng hợp Toàn Phát khai thác đất san lấp tại thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ để phục vụ thi công xây dựng Dự án Khu nhà ở Vạn Phát, giao Sở TN&MT hướng dẫn Công ty thực hiện các thủ tục xin phép khai thác khoảng sản theo quy định.

Như vậy, có thêm một doanh nghiệp nữa cùng tranh nhau khai thác mỏ đất tại dốc Long Mỹ, thôn Thanh Long thì tình trạng khai thác đất tại xã Phước Mỹ sẽ nóng thêm và người dân lại phải tiếp tục chịu trận những cơn lốc bụi, đường nhanh chóng xuống cấp bởi nạn khai thác, vận chuyển chở đất.

Nạn khai thác đất trái phép và có phép đang diễn ra rầm rộ tại xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không tăng cường công tác quản lý, không nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh doanh nghiệp nào được phép lấy đất phục vụ công trình thi công và doanh nghiệp nào lợi dụng để trục lợi tài nguyên đất trái phép thì nạn khai thác đất sẽ trở thành điểm nóng tại xã Phước Mỹ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt người dân và tiền thuế tài nguyên bị thất thoát nghiêm trọng.

Bình Phước: Sung công quỹ hơn 3 tỷ đồng từ cát khai thác trái phép

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết đã tiến hành bán 13.182 m3 cát xây dựng trái phép với số tiền hơn 3 tỷ đồng sung công quỹ.

Theo đó, trước tình hình khai thác, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn huyện Bù Đăng diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự gây bức xúc dư luận, Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai kế hoạch phối hợp đấu tranh trên địa bàn 2 xã Thống Nhất và Đăng Hà. Từ tháng 4 - 2018, tổ công tác các đơn vị đã tiến hành kiểm tra, đo đếm 27 bãi tập kết cát của 10 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai, thu giữ 13.182m3 cát xây dựng trái phép.

 

b2.jpg
Rất nhiều ghe hút cát trên đầu nguồn sông Sài Gòn, bất kể ngày đêm (Ảnh: theo báo Nông nghiệp Việt Nam).

Công an tỉnh Bình Phước cũng tham mưu cho UBND tỉnh bán cát đã bị tịch thu sung công quỹ với số tiền hơn 3 tỷ đồng, góp phần quan trọng ổn định trật tự quản lý kinh tế và tình hình an ninh trật tự.

Được biết, hiện nay trên tuyến sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) có 5 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, đoạn chạy qua địa phận 3 xã Thống Nhất, Đăng Hà, Đồng Nai (huyện Bù Đăng) dài 19km. Thời gian qua, lợi dụng đoạn sông giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng, một số đối tượng đã tự ý khai thác cát trái phép. Một số doanh nghiệp khai thác với công suất vượt khối lượng cho phép, khai thác ngoài vùng được cấp phép dẫn đến một số khu vực bị sạt lở.

 

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top