Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 2 năm 2020 | 14:17

Thị trường bất động sản sụt giảm vì Covid-19

Dịch Covid - 19 xảy ra đầu năm 2020 đã có tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản.

Theo các chuyên gia, còn rất nhiều điều chưa thể dự đoán chính xác, tuy nhiên, mỗi phân khúc bất động sản đều đang có biện pháp khác nhau nhằm đối phó với Covid-19 trong thời gian ngắn và dài hạn.

 

1.JPG

Dịch Covid - 19 được cho đang có nhiều tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản.

 

Tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế

Trong báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch Covid -19 bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế trong nước, và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản. Nhiều bài viết so sánh sự tương đồng giữa dịch Covid -19 và đại dịch SARS năm 2003 như hai dịch bệnh gây hàng loạt ảnh hưởng đối với nền kinh tế, xuất phát từ Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lan tới các vùng lãnh thổ khác.

Dịch SARS xuất hiện vào thời điểm khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, khác với Covid -19 hiện tại, khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển. Điều này có thể gây ra những gián đoạn kinh tế theo diện rộng. Vai trò của Trung Quốc ngày nay đã thay đổi và mạnh hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu.

Việc ngắt kết nối với Trung quốc sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho ngành sản xuất và lĩnh vực đầu tư, vượt xa khu vực châu Á. Dường như chủng virus mới này có thể sẽ tiến triển theo thời gian tương tự như SARS và sẽ thoái trào vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường.

Theo đánh giá của các chuyên gia Savills, các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư vẫn chưa được cụ thể hóa và nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ phải quyết định chờ đợi cho sự kiện này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát. 

Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi. Dự đoán giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê. Các biện pháp trước đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề bong bóng tài sản có thể được giữ lại và xem xét nếu cần thiết, trong khi những phương án mới cần được đề xuất. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài  hơn, làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm của chúng ta.

Ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều phân khúc

Nghiên cứu sâu hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận định: “Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao hàng tại nhà là những phân khúc ghi nhận tăng trưởng trong khi sự tăng trưởng của ngành bán lẻ và du lịch được dự báo sẽ sụt giảm. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đang giảm giá thuê tới 40%. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, phương án này có thể không cần thiết. Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố hết dịch SARS năm 2003 và sẽ tiếp tục thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lần này. Trong bối cảnh này, ngành sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ “Trung Quốc + 1” - chiến lược mà các các doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng để đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các khu vực khác và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, qua đó sẽ tạo đà tăng trưởng cho nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam”.

Nhận xét về ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn cho biết: “Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn. Về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”.

Những biến động gần đây của thị trường bất động sản có thể được kể đến như cuộc chiến tranh thương mại và thời điểm này là dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra – một loại bệnh có những triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường với tỷ lệ tử vong cao hơn cúm mùa.

Những sự kiện này đã khiến kinh tế châu Á nói chung, Hồng Kông nói riêng rơi vào suy thoái và xuất hiện các rạn nứt trong thị trường bất động sản vốn vô cùng sôi động. Những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là bán lẻ và du lịch, trong khi thị trường văn phòng, bất động sản công nghiệp và nhà ở cũng ghi nhận những dấu hiệu giảm nhiệt nhất định

Vậy ảnh hưởng của virus corona sẽ như thế nào? Việc duy nhất có thể làm lúc này là nhìn lại sự bùng nổ của SARS vào năm 2003. SARS là loại virus gần giống với virus corona, với khả năng lây nhiễm thấp hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn (tỷ lệ tử vong của SARS lên tới 8% so với 1-2% mà virus corona gây ra). Xuất phát điểm của SARS là tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào năm 2002, và tới Hồng Kông vào tháng 2/2003, sau đó biến mất vào khoảng tháng 6-7 cùng năm, khi thời tiết trở nên ấm áp.

Nếu sự bùng phát của Covid-19 tương tự như SARS, chúng ta có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, tuy nhiên, nửa cuối năm sẽ ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top