Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường BĐS năm 2014 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước cùng với nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, thị trường BĐS thành phố đã thu được nhiều kết quả phấn khởi.
Khó thì vẫn khó
Kết quả khảo sát đến hết năm 2014 của HoREA, TP. Hồ Chí Minh có 1.403 dự án phát triển nhà ở; trong đó, 426 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (chiếm 30,36%), 201 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 14,32%), 689 dự án ngưng đầu tư (chiếm 49,1%), 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư (chiếm 6,05%). Trong số các dự án đang thực hiện có 40 dự án nhà ở cao cấp (5,9%), 483 dự án nhà ở trung bình (71,34%), 46 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp (6,79%) và 108 dự án nhà ở chưa xác định được phân khúc (15,95%).
Thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh 2014 ghi nhận nhiều điểm sáng
Trong khi đó, về kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay, trên toàn quốc, các ngân hàng mới giải ngân được hơn 12% là quá thấp và không đạt như kỳ vọng vì chưa tạo được cú huých cho thị trường BĐS. Tại TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, đến ngày 31-10-2014, các ngân hàng đã ký hạn mức tín dụng 1.470,93 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng, trong đó đã giải ngân 658 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư dự án chung cư Hoàng Quân Plaza; Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư dự án chung cư Thảo Điền quận 2) và 393,83 tỷ đồng cho 1.444 cá nhân.
Theo nhận định của HoREA, trong tổng thể tình hình thị trường BĐS đình đốn như trên, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án BĐS đang gặp khó khăn trong việc bán hàng, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, giải quyết bài toán thanh khoản, nợ xấu hoặc tìm kiếm nguồn vốn cho dự án, đầu ra cho sản phẩm BĐS.
“Nhìn tổng quát, thị trường BĐS vẫn còn trong giai đoạn rất khó khăn, tác động trực tiếp đến tất cả các chủ thể có liên quan, trước hết là đối với doanh nghiệp phát triển BĐS, các ngân hàng và tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị; làm sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước, tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất và thị trường lao động”, HoREA nhận định.
Ghi nhận nhiều điểm sáng
Trong bối cảnh thị trường chỉ mới dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp nổi lên như những điểm sáng với kết quả kinh doanh khá tốt. Điển hình như Novaland, Hưng Thịnh Land, Hoàng Anh Sài Gòn, Thanh Yến Land, Khang Điền… Báo cáo của HoREA ghi nhận, năm 2014, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đà hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), có giá bán hợp lý (trên dưới 15 triệu đồng/m2) và có tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay. Điển hình là các dự án của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty cổ phần Tập đoàn C.T, Công ty Hưng Ngân, Công ty Phước Thành, Công ty cổ phần Thủ Thiêm, Công ty cổ phần Đất Xanh, Công ty BĐS An Gia…
Trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường tiêu thụ tốt như các dự án của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty cổ phần Tập đoàn C.T, Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Novaland, Công ty cổ phần Phú Long, Công ty cổ phần Khang Điền, Công ty cổ phần Đầu tư Him Lam, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty SSG, Công ty CP Đại Quang Minh, Công ty Vingroup, Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền…
Cũng trong năm 2014, nhiều dự án được khởi công, xây dựng mà điển hình là dự án khu đô thị Tân Cảng (43ha), dự án khu đô thị Sa La - Đại Quang Minh, dự án Masteri Thảo Điền, dự án chung cư vừa và nhỏ của Công ty Hưng Ngân, Công ty Phước Thành, dự án chung cư nhà ở xã hội Thảo Điền… Nhiều dự án nhà ở cũng đã được hoàn thành bàn giao cho khách hàng, điển hình như các dự án của Công ty Novaland, Ehome của Công ty cổ phần Nam Long, chung cư của Công ty Lê Thành, Cao ốc Cantavil Premier của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, cao ốc Riverside Công ty Him Lam, cao ốc SSG Thảo Điền, Eco Village của Công ty Phúc Khang, chung cư căn hộ 8X, căn hộ 12 View của Công ty Hưng Thịnh, Căn hộ Scenic Valley của Công ty Phú Mỹ Hưng…
Bên cạnh việc các doanh nghiệp liên tục bung hàng, sự phát triển của hạ tầng cũng tác động không nhỏ đến sự hồi phục của thị trường. Theo HoREA, chính việc hoàn thành tuyến đường vành đai Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Cát Lái - Long Thành (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng và việc khẩn trương triển khai tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khởi công tuyến đường cao tốc Bến Lức - TP Hồ Chí Minh - Long Thành, các tuyến đường trục chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm… đã tạo thêm động lực thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản thành phố.
Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.