Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 6 năm 2022 | 9:44

Thiếu cán bộ thú y cơ sở, nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát

Nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết bổ sung chức danh Thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn để đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả nhưng vẫn thiếu đội ngũ này.

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ xung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trong đó, nội dung bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y, đến nay, nhiều tỉnh miền Trung đã phải ban hành các quyết định bổ sung chức danh Thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn để đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả nhưng vẫn thiếu đội ngũ này.
 
Khó khăn khi không có cán bộ thú y cấp xã
 
Trước đây mỗi khi địa bàn có dịch bệnh xảy ra, các cán bộ làm công tác thú y trên địa bàn đều có mặt tại các hộ gia đình có gia súc, gia cầm chết để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp tiêm phòng chống dịch bệnh cho số vật nuôi còn lại. Nhưng sau khi cán bộ thú y cấp xã không còn có trong biên chế nhà nước, công việc phòng chống dịch bệnh tại các hộ gia đình khó khăn hơn nhiều.
 
bna-ba-nguyen-thi-bich-thuy-xa-dai-dong-lien-tuc-rac-voi-khu-vuc-chuong-trai-de-phong-chong-dich-anh-phu-huong-475.jpg
Không có cán bộ thú y người dân phải tự làm các công việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm

 

Bà Nguyễn Thị Đàm ở xóm Hoàng Vang, xã Tân Xuân (Tân Kỳ) cho biết, bà chỉ dám nuôi 2 con bò, dù chuồng trại đã làm sạch sẽ và rộng rãi. Trước đây trâu, bò bị bệnh, báo là cán bộ đến kiểm tra ngay, nhưng bây giờ dịch bệnh thì nhiều loại mới, mà xã không có cán bộ thú y nữa, lỡ gia sức có bị bệnh cũng không biết kêu ai.
 
Bà Trần Thị Hòa, xã Quảng Xuân cho biết, nhà bà có nuôi 5 con lợn. Dịch TLCP hiện đã xuất hiện ở nhiều hộ gia đình trong xã. Đang lo dịch TLCP lây lan, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi thì vừa rồi, 2/4 con bò của gia đình bà bị dịch VDNC. Kinh tế gia đình dựa vào chăn nuôi, dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến gia đình bà rất băn khoăn trong phát triển kinh tế thời gian tới.
 
Mặc dù, cả dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch TLCP diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn, nhưng hiện nay lực lượng cán bộ thú y cấp xã đã không còn đã gây ra không ít hạn chế cho công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bà Hòa lo lắng.
 
Từ khi cán bộ thú y cấp xã không còn bà Lê Thị Na - cán bộ nông nghiệp xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) thường xuyên lâm vào tình cảnh lúng túng, nhất là trong các đợt dịch bệnh.
 
“Nếu trước đây, chỉ việc giao cán bộ thú y đi lấy mẫu, chẩn đoán bệnh, thì nay mỗi lần có dịch bệnh, UBND xã đều phải thuê, hợp đồng người có chuyên môn, tôi đi theo vừa chống dịch vừa học hỏi dần. Tuy nhiên, việc thuê người cũng rất khó khăn”, bà Na cho biết.
 
bna-ql-anh-phu-huong-1603.jpg
Cán bộ thú y xã là lực lượng đi đầu trong giám sát, tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Ảnh tư liệu Phú Hương
 
Theo đánh gia của lãnh đạo huyện Thanh Chương (Nghệ An), không còn thú y xã, khả năng đánh giá, nhận định tình hình, đặc biệt là triển khai tiêm phòng, chống dịch rất khó khăn. Cán bộ nông nghiệp của 39 xã, thị trên địa bàn hầu hết đều có chuyên môn về trồng trọt, không học qua chuyên ngành Thú y nên rất lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi. Trong khi đó, đối với huyện Thanh Chương, nông nghiệp vẫn là “mặt trận” then chốt, chăn nuôi là một trong những nguồn thu chủ yếu của người dân.
 
Thiếu cán bộ thú y cấp cơ sở
 
Trước thực trạng cán bộ thú y cấp cơ sở không có và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ thú y này trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm tại các xã, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung đã ban hành Nghị quyết khôi phục lại cán bộ thú y cấp cơ sở, tuy nhiên số cán bộ tú y này vẫn còn thiếu nhiều so với yêu cầu của nhiệm vụ.
 
ảnh-2-2021-05-21t153139307.jpg
Thiếu cán bộ thú y người chăn nuôi phải thuê người có chuyên môn về tiêm phòng cho vật nuôi của mình.
 
Là huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn, tình trạng thiếu cán bộ thú y xã đang gây những khó khăn không nhỏ cho phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi ở huyện Yên Thành. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Trọng Hương cho biết: Đến nay, huyện mới tuyển dụng lại được 18/39 cán bộ thú y xã.
 
Đối với các huyện miền núi, việc bố trí lại chức danh thú y xã còn gặp khó khăn hơn. Bà Lô Thị Tâm, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết: Đến nay, chỉ mới 5/13 xã tuyển dụng được cán bộ thú y. “Người muốn làm, tâm huyết, có kinh nghiệm thì bằng cấp không đáp ứng được, người trẻ thì chủ yếu đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, đi làm nghề chứ ít ai đi học nghề thú y, nhiều xã vận động mãi vẫn chưa có người nộp hồ sơ”, bà Lô Thị Tâm chia sẻ.
 
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 3/5/2022, Nghệ An mới chỉ tuyển dụng lại được 285 cán bộ thú y xã, trong khi nhu cầu là 460 người. Như vậy, hơn 1/3 số xã vẫn chưa có cán bộ thú y; toàn tỉnh vẫn còn thiếu 175 cán bộ thú y cấp xã.
 
Theo ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nhanh chóng khôi phục hệ thống thú y cơ sở, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi mức phụ cấp còn thấp, chưa thu hút được những người học chuyên ngành thú y có chuyên môn tốt; thì quy định chức danh thú y cơ sở ở vùng đồng bằng phải có bằng trung cấp chuyên môn thú y trở lên và vùng miền núi, khó khăn phải có bằng sơ cấp trở lên khiến nhiều địa phương khó khăn trong việc tuyển dụng.
 
Tại Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, nên phần lớn nhân viên thú y cấp xã trước đây phải nghỉ việc. Cụ thể có 88/216 cấp xã có bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn là Trung cấp Chăn nuôi - Thú y; 128 cấp xã còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm, không có bằng cấp chuyên môn về chăn nuôi - thú y.
 
Ở Quảng Bình, từ tháng 1/2019, các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Theo đó, cán bộ chuyên trách thú y cấp xã phường cũng không còn, thay vào đó là cán bộ viên chức khác kiêm nhiệm.
 
Cần bố trí lại chức danh cán bộ thú y ở cơ sở
 
Trước khi Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, cán bộ thú y cấp cơ sở là một trong những lực lượng phòng chống dịch bệnh quan trọng nhất, đây là lực lượng tham mưu cho chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Trong tiêm phòng, đây vừa là lực lượng triển khai, vừa trực tiếp tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm.
 
Khi dịch bệnh xảy ra lực lượng cán bộ thú y cấp cơ sở là người đầu tiên chịu trách nhiệm chẩn đoán lâm sàng, điều trị và phối hợp khoanh vùng dập dịch. Khi không còn chức danh này nữa, các xã phải tìm đủ cách khắc phục, nhưng vẫn khó đáp ứng được yêu cầu.
 
Ngày 6/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Thông báo số 338-TB/TU về việc điều chỉnh Kết luận số 134 - KL/TU, ngày 5/3/2019 về giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp xã tỉnh Nghệ An hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Cụ thể, đồng ý bỏ nội dung: “Không bố trí chức danh bảo vệ thực vật, thú y. Nhiệm vụ này thực hiện theo hình thức xã hội hóa đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” được quy định tại Kết luận số 134 - KL/TU. Nhưng mới chỉ 3 địa phương là Quỳ Châu, thị xã Cửa Lò và huyện Nghĩa Đàn đã tuyển đủ chỉ tiêu. Một số huyện có tỷ lệ tuyển dụng đạt rất thấp như Kỳ Sơn mới chỉ có 1/21 xã đã tuyển dụng được, Nghi Lộc 7/29 xã, Thanh Chương 21/38 xã, Anh Sơn 3/21 xã…
 
Tại tỉnh Quảng Bình Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh, cho biết: “Trong các cuộc họp gần đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, nhiều ý kiến đã đề nghị các huyện, thành, thị xem xét củng cố lại cán bộ thú y cấp xã. Điều này đã được Sở Nội vụ thống nhất, tuy nhiên thực tế là đang thiếu biên chế nên phải chờ bố trí, sắp xếp”.
 
Việc không có cán bộ làm công tác thú y tại cấp cơ sở đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng, dập dịch trên đàn vật nuôi, do đó rất cần các cơ quan chức năng xem xét và đánh giá lại để đưa lực lượng này vào làm công tác phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ sở, có như vậy  nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ gia súc, gia cầm mới được kiểm soát tốt.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top