Liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian gần đây đã làm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) tại Bình Định tăng cao. Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (CN-TY) Bình Định đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.
Một gia trại chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).
Nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo Chi cục CN-TY Bình Định, toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia cầm trên 6,5 triệu con, đàn heo trên 700.000 con, đàn trâu - bò trên 317.000 con. Nhiều năm qua, nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nên các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm (DCGC), lở mồm long móng (LMLM), heo tai xanh,... không tái phát.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan chức năng, thời tiết nắng nóng kéo dài, đan xen những đợt mưa trái mùa làm cho nguy cơ tái phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC. Điều đáng lo ngại là, thời gian gần đây, giá GSGC xuống thấp, người chăn nuôi có tâm lý chán nản, không chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đây là mối nguy lớn vì khi để dịch bệnh bùng phát thì việc khống chế sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục CN-TY Bình Định, cho biết: “Tâm lý chủ quan của người chăn nuôi trong phòng chống dịch bệnh GSGC hiện nay khá phổ biến. Gần 1 tháng nay, mặc dù tỉnh và các ngành chức năng đã quan tâm “giải cứu” thịt heo cho nông dân nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn. Theo thống kê, các địa phương trong tỉnh đã giết mổ, tiêu thụ được 4.500 con heo thịt để bán tại các sạp bán thịt heo bình ổn giá. Tuy nhiên, lượng heo tiêu thụ trên là không đáng kể so với tổng đàn trên địa bàn tỉnh. Do vậy, giá heo hơi thời điểm này vẫn ở mức thấp, dao động từ 26.000 - 28.000 đồng/kg. Với mức này, người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg”.
Chăn nuôi thua lỗ đã làm cho nông dân chán nản, ít quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng được các điểm giết mổ GSGC tập trung. Tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh thú y diễn ra khá phổ biến. Một số địa phương còn tình trạng vứt xác GSGC chết bừa bãi ra môi trường. Đây là nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC.
Tăng cường các biện pháp phòng chống
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong mùa nắng nóng, UBND tỉnh Bình Định vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục CN-TY, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống. Trong đó, chú ý công tác tiêm phòng vắc xin các loại dịch bệnh nguy hiểm và thường xuyên tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại, giám sát dịch bệnh để ngăn ngừa, bao vây, khống chế dịch bệnh kịp thời.
Theo ông Quốc, để công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong mùa nắng nóng đạt hiệu quả, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC. Chú trọng kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ, buôn bán GSGC trên địa bàn. Huy động lực lượng thú y hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh GSGC thường phát sinh trong mùa nắng nóng.
Đến nay, Chi cục CN-TY Bình Định đã hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin đợt 1/2017 cho đàn GSGC trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 6, lực lượng chức năng đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho gần 4 triệu con gà, vịt; tiêm vắc xin LMLM cho gần 258.000 con trâu - bò, đạt 81,2% tổng đàn. Đối với đàn heo, lực lượng thú y cũng đã tiêm vắc xin dịch tả, LMLM cho trên 541.000 con.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, nguy cơ cao gây bùng phát dịch bệnh trên đàn GSGC, Chi cục CN-TY Bình Định đã yêu cầu các trạm CN-TY địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi thường xuyên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi. Bổ sung thuốc phòng bệnh, thuốc tăng sức đề kháng cho đàn GSGC trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường. Thu gom phân rác, nước thải để xử lý, ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học, xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại và khu vực chung quanh.
Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết: Để bảo vệ an toàn đàn GSGC trong mùa nắng nóng, từ ngày 1/7, lực lượng thú y sẽ đồng loạt ra quân tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2/2017. Tiếp đó, từ ngày 1/8, sẽ triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM, dịch tả cho đàn trâu, bò, heo giống, phấn đấu tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống bệnh LMLM, dịch tả, cúm gia cầm phải đạt từ 85% trở lên. Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục phát động tháng tiêu độc khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi; hỗ trợ thuốc sát trùng để các chủ trang trại, gia trại thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại; đảm bảo không để dịch bệnh tái phát.
Phú Mỹ
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.