Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân sẽ diễn ra vào ngày 29/5, được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La và trực tuyến đến điểm cầu của 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chiều nay, 23/5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức họp báo công bố thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và chuỗi sự kiện Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Sơn La.
Tiếp nối thành công của 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, tháng 12/2019 tại TP. Cần Thơ và tháng 9/2020 tại Đắk Lắk, Hội nghị lần này với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Đây là diễn đàn để đại diện nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Nói về các kiến nghị, đề xuất của nông dân đến Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay cho biết, tính đến trước ngày 23/5, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ.
"Qua tổng hợp và báo cáo, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính như: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; Các vấn đề liên quan đến những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai và nhiều ý kiến kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai; Vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; Vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp; Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ", ông Hoài thông tin thêm.
Trên cơ sở đối thoại, đề xuất, kiến nghị những vấn đề về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục phát huy sự sáng tạo của nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.
Cùng với sự kiện đối thoại của Thủ tướng với nông dân, thì Festival trái cây sản phẩm OCOP Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Sơn La đồng tổ chức dự kiến khai mạc vào tối ngày 28/5 tại Quảng trường Tây Bắc, TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) và kéo dài trong thời gian 5 ngày (28/5 đến 1/6). Quy mô Festival dự kiến khoảng 500 gian hàng chia thành các khu vực: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; Triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La”.
Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Sơn La với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; thúc đẩy giao lưu văn hóa - kinh tế - du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Khi tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá về con người và các sản phẩm của tỉnh; kết nối giữa Sơn La với các tỉnh, thành trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.