Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 9 năm 2018 | 15:25

Thủ tướng: Đưa ‘quốc bảo’ sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh

Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng...

 
Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh” - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra hôm nay (6/9), tại Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng cho một quốc gia có 3/4 diện tích rừng núi, nơi đã sinh ra những bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Cho nên, việc phát triển ấy vừa là lịch sử, đồng thời cũng chính là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập.

Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị dược liệu toàn quốc vào năm ngoái, Thủ tướng khẳng định, 63 tỉnh, thành phố đều có thể phát triển dược liệu với 5.000 loại cây, con, sinh vật biển, khoáng vật làm thuốc, không chỉ để chữa bệnh mà còn làm giàu.

Tự tin tham gia sân chơi toàn cầu

“Tôi nhấn mạnh lại, đó là niềm tự hào dân tộc khi từ những tinh hoa của đất mẹ, chúng ta có thể tìm ra những sản phẩm phục vụ sức khỏe con người, được sự tin dùng của quốc tế bởi những giá trị độc đáo, hứa hẹn đem đến cho chúng ta lợi thế cạnh tranh về chất lượng so sánh với cả những nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Điều này vô cùng đặc biệt, vừa là thách thức, đồng thời là niềm cảm hứng kiến tạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”. Theo Thủ tướng, đây chính là thông điệp đầu tiên ông muốn chuyển tải đến Kon Tum, Quảng Nam và nhiều địa phương khác, đồng thời cũng là thông điệp về niềm tự hào của ngành dược liệu toàn quốc, cho tất cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan.

Kể lại chuyến thực địa đầy ấn tượng tới núi Ngọc Linh vào hôm qua, Thủ tướng bày tỏ một Kon Tum không chỉ giàu về bản sắc văn hóa mà rất giàu về tiềm năng cây dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh. Đó là món quà núi rừng linh thiêng đã ban tặng cho con người.

Có thể nói Sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc đã làm với nhân sâm. Thủ tướng cho biết, theo các nghiên cứu gần đây, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh Việt Nam có chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, a-xít béo..., trong đó một nửa (26) hợp chất saponin có ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Trung Quốc; còn lại 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.

 

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc…

Theo Thủ tướng, quốc kế dân sinh còn là việc bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm của sâm cũng như tạo ra nhiều sản phẩm, chế phẩm từ sâm Ngọc Linh, giải quyết nhiều việc làm và thu ngân sách cho các tỉnh sản xuất, tiêu thụ sâm Ngọc Linh. “Đông người được hưởng, đó là quốc kế dân sinh”.

“Giữ gìn quốc bảo là giữ một vật quý hiếm nào đó ở trong tủ kính, giữ gìn mãi. Nhưng từ quốc bảo ra quốc kế dân sinh để người dân được hưởng lợi là tinh thần, tư tưởng để chúng ta làm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, dược phẩm, thực phẩm chức năng từ trước đến nay là sân chơi của các ông lớn - các cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ như Trung Quốc, nhóm OECD hoặc G7, G20, do vậy chúng ta chỉ cạnh tranh thành công khi xác định được các lợi thế vượt trội, biến "quốc bảo" thành "quốc kế dân sinh". Lý do Thủ tướng đến Kon Tum lần này chính là bởi tỉnh có một trong những lợi thế quan trọng là sâm Ngọc Linh. Nếu kết hợp với đẳng sâm cùng với các siêu dược liệu ở các vùng, miền khác như nấm lim xanh, các loại sâm núi ở Hoàng Liên Sơn, ở Nghệ An, các loài dược liệu quý ở Tây Nguyên, Tây Bắc… chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một ngành dược liệu hết sức phong phú, đủ quy mô để cạnh tranh khu vực và toàn cầu nếu biết gìn giữ, bảo tồn, phát triển, đồng thời biết bào chế, phát triển sản phẩm một cách thông minh và phù hợp với xu thế tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước tiên tiến.

Rõ ràng, bài toán lớn đặt ra là làm sao cộng hưởng những tinh hoa trời đất ban tặng này nhằm tạo ra những "đột phá chiến lược" trong việc bồi bổ sức khỏe, điều trị các bệnh nan y mà nhân loại đang gặp phải, từ đó, đưa ngành dược liệu và thực phẩm chức năng của Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu một cách chủ động và tự tin.

Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ đô-la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Xây dựng “Thánh địa sâm Ngọc Linh”

Theo Thủ tướng, để đạt được tầm nhìn và mục tiêu này, còn rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược. “Cần nhớ rằng, nhân sâm Hàn Quốc, Triều Tiên có lịch sử nhiều năm, được xuất khẩu cách đây 1.500 năm và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc”.

Thủ tướng lưu ý một số hướng đi và cách làm để phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam nhanh và bền vững, trước hết, tập trung vào sâm Ngọc Linh.

Đầu tiên, cách tiếp cận trong phát triển phải đúng. Yêu cầu đối với cây sâm Ngọc Linh là phải vừa bảo tồn, vừa phát triển, bảo tồn để phát triển có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn. Ở giai đoạn đầu cần định dạng chiến lược sản phẩm theo hướng phát huy các giá trị vượt trội và tính chất khác biệt của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Ví dụ chống ung thư, cải thiện chức năng gan, tim mạch, giảm bớt stress, các rối loạn tâm lý, trầm cảm, những chức năng độc đáo mà các loại sâm khác không sánh bằng hoặc không có.

Hướng mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh đến những giá trị cao hơn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn đối với nền y học, góp phần cải thiện sức khỏe con người, ưu tiên trước hết cho người Việt Nam.

Tiếp theo, khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh vượt khỏi biên giới Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm. Phổ biến nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh. Thay vào đó cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp.

Thủ tướng nêu rõ, bảo vệ nguồn gene thuần chủng là tối quan trọng. Là nơi tìm ra sâm Ngọc Linh đầu tiên và cũng là nơi sinh trưởng tốt nhất cho sâm Ngọc Linh, núi Ngọc Linh được xem là “Thánh địa của sâm Ngọc Linh”. Cần làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý cho sâm nhằm bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của sâm Ngọc Linh.

Cần nghiên cứu tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử của sâm Ngọc Linh bởi vì dù được phát hiện muộn vào thập niên 70 của thế kỷ trước (là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới) nhưng điều này không có nghĩa là cây sâm Ngọc Linh mới chỉ xuất hiện trên Trái đất vài chục năm trước. Việc có một lịch sử rõ ràng và nếu có thể tìm ra giai thoại về sâm Ngọc Linh sẽ làm tăng giá trị đáng kể cho sâm (nhưng phải tránh những giai thoại hoang đường).

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Không để vàng thau lẫn lộn

Chúng ta cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế cũng như ở các nước. Đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp. Tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, truyền thông mạnh mẽ các giá trị độc đáo của sâm Ngọc Linh, coi đây là bước đột phá cho sự phát triển của ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, đem lại cho Việt Nam khả năng đối trọng với các cường quốc tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Việc di thực sâm Ngọc Linh cần hết sức cẩn trọng, được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Việc mở rộng trồng và chế biến sâm Ngọc Linh trước hết được tiến hành ở núi Ngọc Linh. Tuy nhiên, phải bảo đảm chất lượng sâm, hàm lượng saponin cũng như các hoạt chất có trong sâm; mỗi sản phẩm nhân sâm phải là một sản phẩm chất lượng cao, được chế biến từ những củ sâm chất lượng tốt nhất, tinh túy nhất. Nếu mở rộng tới mức suy giảm hàm lượng thì cũng phải thông tin rất rõ ràng, chính xác để khách hàng lựa chọn, đồng thời, không để vàng thau, thật giả lẫn lộn. Trước khi trồng cây sâm xuống đất, trước hết phải kiểm tra xem giống này lấy ở đâu. Không du nhập giống, không lai tạo để biến đổi gene, không cấy ghép và phải bảo tồn cho được giống quý sâm Ngọc Linh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ có chọn lọc, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh.

Đồng thời, không nên ngần ngại khi có cơ hội liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng các điều kiện, những nền tảng sẵn có về nghiên cứu và phát triển, về marketing, về quản trị và thị trường để đi tắt ra thị trường cao cấp, qua đó, tạo ra sức lan tỏa nhanh chóng về thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo cú hích cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trong nước.

Phải xây dựng bằng được những doanh nghiệp hạt nhân, có đủ tiềm lực và sức mạnh để trở thành những nhà tiên phong, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh, với các chủng loại sản phẩm phong phú có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đang hiện diện trên sân nhà, đồng thời phải từng bước vững chắc vươn ra thị trường quốc tế.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Mong muốn trở thành cường quốc nhân sâm

“Vốn và công nghệ là quan trọng, nhưng đối với sâm Ngọc Linh thì đất và rừng là hai yếu tố không thể thay thế. Người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần hiệp đồng chặt chẽ để giữ rừng, bởi nếu mất rừng thì không còn sâm Ngọc Linh”, Thủ tướng bày tỏ.

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu một số khuyến nghị dành cho tỉnh và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương.

Muốn đánh thức tiềm năng dược liệu giàu và giá trị của mình, Kon Tum nên chủ động chuyển mình nhanh chóng để trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển.

Thủ tướng đồng ý tỉnh Kon Tum nghiên cứu lập Đề án hình thành khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung với quy mô lớn. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương... cử cán bộ, chuyên gia giúp Kon Tum sớm hoàn thành Đề án và trình phê duyệt. Trong đó cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện các mặt, bảo đảm hiệu quả và khả thi. Thủ tướng đồng ý cho Kon Tum thực hiện thí điểm sử dụng môi trường rừng, đất dưới tán rừng để trồng dược liệu, tuy nhiên phải bảo đảm nghiêm ngặt việc duy trì, bảo vệ môi trường rừng.

Theo Thủ tướng, loài sâm này sẽ không chỉ là quốc bảo mà tỉnh Kon Tum cùng với Quảng Nam được trời đất ban tặng; trên thực tế chính sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra một đòn bẩy du lịch và một sức mạnh truyền thông mới, đưa hai địa danh Quảng Nam, Kon Tum và rộng hơn nữa là Việt Nam được quốc tế biết đến nhiều hơn nữa về những giá trị to lớn cần được khám phá. Sâm Ngọc Linh với ngành dược liệu Việt Nam cũng như một Sơn Đòong (Quảng Bình) với ngành du lịch cả nước. Sự thành công của sâm Ngọc Linh sẽ tạo tiếng vang lớn, mở đường cho nhiều nghiên cứu mới, tầm cỡ quốc tế về tiềm năng dược liệu Việt Nam nói chung.

Tại sao Hàn Quốc người ta gọi là đất nước nhân sâm? Bao giờ Việt Nam là đất nước có sâm Ngọc Linh quý hiếm? Bao giờ Việt Nam tham gia được vào nhóm các cường quốc nhân sâm? Một cường quốc cần có chiến lược và lộ trình bao nhiêu năm, bước đi như thế nào?… Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành chức năng, tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cần sớm cùng nhau tìm lời giải cho những câu hỏi này.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top