Thời gian gần đây, đất nền tại khu vực huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) có mức tăng giá đến “chóng mặt”. Các thông tin liên quan tới các dự án xây dựng đã và đang được triển khai cùng việc nhiều “cò” nhà đất, nhà đầu tư đang “tạo sóng” khiến đất nền tại đây đang ở đỉnh của cơn sốt. Tuy nhiên, cần thận trọng trước các thông tin để khỏi “tiền mất tật mang”.
Vị trí dự kiến xây dựng cầu Cần Giờ khiến giá đất tại đây tăng “chóng mặt”.
Nhiều dự án được triển khai
Thời điểm tháng 4/2017, đất nền tại khu vực huyện Cần Giờ chứng kiến việc giá tăng theo từng ngày do có các thông tin về việc nhiều dự án, đại dự án được chấp thuận, đầu tư xây dựng tại đây. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ theo hướng điểm đầu kết nối với đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài), điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác với tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng. Cây cầu được xây dựng theo hình thức PPP, trong đó có thể thực hiện hợp đồng BT kết hợp BOT và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư ưu tiên dùng quỹ đất trên địa bàn huyện Cần Giờ. Khi hoàn thành, cây cầu được kỳ vọng sẽ góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế của huyện đảo và dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đền năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển theo hai hướng Đông và hướng Nam ra biển. Vì thế, Cần Giờ là một trong những địa điểm được thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương cho lấn biển làm dự án khu du lịch Cần Giờ do Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ hợp tác với Tập đoàn Vingroup thực hiện việc quy hoạch. Cụ thể, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ xin khai thác thêm 480ha để tạo liên kết lấn biển có quy mô khai thác lên 1.380ha, chia ra nhiều giai đoạn thực hiện với dự kiến thành lập khu du lịch hiện đại, có cảng trung chuyển đón tàu du lịch biển trong thời gian tới. Trước đó, dự án khu du lịch Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004 với quy mô khu đô thị du lịch 221ha và khu du lịch lấn biển 600ha. Năm 2007, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đã khởi động dự án với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng. Liên quan tới thông tin dự án lấn biển tại huyện Cần Giờ, vào đầu tháng 4/2017, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ tăng quy mô nghiên cứu đầu tư dự án khu lấn biển Cần Giờ từ 1.080ha lên 2.870ha.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 tại khu vực ven biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam huyện Cần Giờ cũng được triển khai, với diện tích 2.870ha (gồm 3 phía Đông, Tây và Nam giáp biển, phía Bắc giáp ranh hành lang cây xanh dọc đường Biển Đông 2, đường ven biển khu du lịch 30/4, thuộc một phần xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh). Tại đây, sẽ được phát triển một quần thể đô thị và du lịch nghỉ dưỡng, gồm các khu chức năng như khu đô thị thấp tầng, cao tầng, khu công cộng và hệ thống cây xanh, khu du lịch nghỉ dưỡng gồm biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ du lịch. Khu hỗn hợp văn phòng, khách sạn trung tâm thương mại và một khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí như sân golf, công viên giải trí.
Ăn theo dự án, đất tăng giá “chóng mặt”
Việc triển khai đồng loạt nhiều dự án đã làm cho thị trường đất nền Cần Giờ lên cơn sốt. Cụ thể, phóng viên đã liên lạc với một “cò” nhà đất tên Nhi để tìm hiểu về thị trường nhà đất tại đây. Theo đó, với các khu đất rộng hơn 1.000m2 đã tăng đến 20%, những vị trí càng gần trung tâm thị trấn của huyện thì mức tăng khoảng 40 - 60%. Tại khu vực hướng về UBND xã Bình Khánh, giá đất tại khu vực này tăng “chóng mặt” bình quân ở mức 50%. Cụ thể, một miếng đất có diện tích 500m2, nằm gần trung tâm hành chính xã Bình Khánh, trong khu dân cư, gần trường học, đất đã có sổ hồng có giá dao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2 (trước đó vài tháng chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/m2). Còn đối với đất tại mặt tiền đường đoạn từ phà Bình Khánh tới UBND xã Bình Khánh có giá dao động từ 13 - 17 triệu đồng/m2. Theo “cò” nhà đất tại đây thì mức giá đã tăng khoảng 20% trong vòng 1 tháng trở lại đây. “Anh có mua thì tìm hiểu nhanh rồi chốt chứ đất tại đây giá tăng từng ngày, đảm bảo mua sinh lời ngay”, “cò” nhà đất tên Nhi khẳng định chắc nịch.
Cũng theo “cò” nhà đất này, tại các khu vực xã Tam Thôn Hiệp trên trục đường Tam Thôn Hiệp cũng ghi nhận giá đất tại khu vực mặt tiền ở mức 4 - 6 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu năm 2017. Khu vực thị trấn Cần Thạnh cũng trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản khi thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tìm tới giao dịch với mức giá bán dao động từ 5,5 - 15 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và diện tích đất.
Theo tìm hiểu, giá đất tại đây đang tăng với tốc độ “phi mã” trong vòng hơn 1 tháng nay, ngoài câu chuyện “ăn theo” thông tin các dự án đã và đang được triển khai phải kể đến việc các nhà đầu tư cá nhân di chuyển theo luồng, nhóm. Các nhà đầu tư cá nhân, “cò” nhà đất đã dùng các kỹ xảo để đẩy giá lên cao rồi bán ra ngoài thị trường trong khi mua với giá rất thấp thời điểm trước đó. Ngoài ra, trong thời gian qua cũng rộ lên xu hướng các nhà đầu tư đua nhau thu gom một số lượng quỹ đất lớn xung quanh hoặc gần các dự án có quy mô “khủng” nhằm đón đầu về hạ tầng sau đó bán ra thị trường.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, việc giá đất tăng do “ăn theo” hạ tầng kết nối giao thông, các dự án được đầu tư xây dựng còn có việc “làm sóng và tạo sóng” của nhiều cò nhà đất, của nhiều nhà đầu tư đang đầu cơ. Việc đón đầu quy hoạch nhiều khi mới chỉ ở dạng đề xuất nhưng sẽ được nhiều bàn tay vô hình dựa vào đây để “thổi giá đất” lên cao, làm nóng thị trường, nếu khách hàng không tỉnh táo trước khi giao dịch sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Vài năm trước đó, tại khu vực này, sau khi giá đất tăng lên tới đỉnh điểm cũng rơi vào trạng thái bị “đóng băng”, tới thời điểm một hai năm gần đây thì rục rịch sôi động trở lại.
Mạnh Tiến – Trường Sơn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.