Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 7 năm 2016 | 2:2

Tiếp bài “Nghịch lý nhà tái định cư”: Cần giải pháp căn cơ

Sau khi Báo Kinh tế nông thôn số 27, ra ngày 1/7/2016, có bài “Nghịch lý nhà tái định cư”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và chuyên gia bất động sản nhằm tìm đáp án cho bài toán nan giải tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn thành phố.

Nghịch lý nhà tái định cư

Người dân không mặn mà với nhà tái định cư.

Tránh lãng phí trong việc tái định cư của người dân

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hiện còn một lượng lớn nhà tái định cư. Hàng ngàn căn hộ tái định cư là quỹ nhà được thành phố bố trí cho hàng ngàn hộ dân ở những dự án đã và đang triển khai. Tuy nhiên, việc xây dựng và bố trí quỹ nhà tái định cư cần có nhiều giải pháp căn cơ để tránh lãng phí.

Nhằm giải quyết nhu cầu tái định cư của người dân thành phố, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Xây dựng lập “Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư hàng năm và 05 năm”. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và tiếp nhận 37 dự án tổng quy mô  21.739 căn hộ và nền đất (gồm 19.020 căn và 2.719 nền).

Tuy nhiên, để tránh lãng phí nhà ở tái định cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đòi hỏi nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thì công tác tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu nhà ở phục vụ tái định cư thường xuyên biến động, phải liên tục điều chuyển cân đối cho phù hợp với nguyện vọng của người dân, tạo sự đồng thuận trong công tác di dời.

Cũng theo ông Danh, để việc sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư được hiệu quả trong thời gian tới, cần nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt, các quận huyện cần rà soát, cập nhật, báo cáo tình hình giải phóng mặt bằng và nhu cầu sử dụng nhà, đất tái định cư theo định kỳ để kiến nghị thành phố cân đối giữ lại hoặc điều chuyển linh hoạt, kịp thời cho các quận, huyện khác có nhu cầu hoặc đấu giá để thu hồi vốn. Trong đó cần tập trung cân đối, điều chuyển nhà, đất tái định cư cho các nhóm đối tượng thật sự cần bố trí tái định như các hộ gia đình bị di dời trong các dự án trọng điểm, công ích. Các đối tượng không đủ điều kiện tái định cư, tiền bồi thường không đủ để tạo lập nơi ở mới hoặc không còn nơi ở nào khác. Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, công ích theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Cần giải pháp căn cơ

Liên quan tới vấn đề này, cũng cần có những giải pháp lâu dài, căn cơ như việc dự báo nhu cầu tái định cư trong các dự án trọng điểm, công ích có thu hồi đất phải chính xác và căn cứ vào nhiều yếu tố như tiến độ cụ thể các dự án công ích, trọng điểm. Tiến hành khảo sát, thu thập để bổ sung bộ dữ liệu phục vụ công tác bồi thường và di dời tái định cư. Hoàn chỉnh các hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu tái định cư nhằm thu hút và tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký tái định cư, sớm hòa nhập cộng đồng tại nơi ở mới.

Cùng vấn đề này, theo ông Danh, công tác tái định cư cần được xem như một giải pháp tổng thể hài hòa, toàn diện trên các mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Tái định cư không chỉ là giải quyết chỗ ở đơn thuần mà giải quyết một không gian sống, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó hộ gia đình, cá nhân bị di dời, giải tỏa được đảm bảo đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hậu di dời, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ-TU của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh là “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, cần tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Người dân chưa mặn mà với nhà tái định cư, vì phần lớn khi bị thu hồi đất để phục vụ các mục đích khác nhau thì thường được bố trí nhà tái định cư ở xa nơi ở cũ, xa trung tâm, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tạo công ăn việc làm rất quan trọng, vì thế các cơ quan, ban ngành phải chú trọng việc đào tạo nghề, tạo công việc tại chỗ để người dân ổn định sinh sống.

Cũng theo TS. Lê Bá Chí Nhân, việc chung cư xuống cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng xung quanh phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống người dân chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại các khu tái định cư gồm nhiều tiêu chí kèm theo (điện, đường, trường, trạm). Ngoài ra, tại quy định hiện nay của nhà nước, thì sau 5 năm nhà tái định cư mới được tiến hành giao dịch mua bán trong khi nhà ở thương mại thì việc giao dịch mua bán là bình thường. Vì thế, cần công bằng hơn trong việc chuyển nhượng buôn bán căn hộ của người dân ở nhà tái định cư như nhà ở thương mại.

Minh Tuấn - Lại Hùng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top