Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm- lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hiệu quả mô hình
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mô hình tôm - lúa phát triển từ năm 2000 khi Nghị quyết số 09/2000/NĐ-CP của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang nuôi tôm với khoảng 71.000ha, đến năm 2021 diện tích tôm - lúa đạt gần 207.768ha, chiếm gần 29,6% so với diện tích nuôi tôm của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sản lượng tôm đạt 128.752 tấn.
Về sản xuất lúa gạo, sản lượng lúa năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2020, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, mô hình canh tác tôm - lúa vùng ĐBSCL còn khá nhiều khó khăn, bất cập về tổ chức, chỉ đạo sản xuất, kỹ thuật, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, thị trường, quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, công tác khuyến ngư và khoa học công nghệ.
Thông qua diễn đàn lần này, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về hiện trạng, tiềm năng phát triển bền vững mô hình tôm- lúa vùng ĐBSCL; đánh giá khó khăn, vướng mắc khi sản xuất tôm - lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm; phân tích, đánh giá chuyên sâu về các giải pháp xử lý môi trường trong sản xuất tôm - lúa nhằm hướng tới sản xuất bền vững cho vùng ĐBSCL.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, những năm qua, tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, giúp mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3- 4 lần so với độc canh cây lúa. Trong giai đoạn 2010- 2020, diện tích tôm- lúa của tỉnh tăng bình quân 6,67%/năm, lợi nhuận bình quân hơn 110 triệu đồng/ha/năm. Tại diễn đàn này, Kiên Giang sẽ có thêm bài học kinh nghiệm, giải pháp trong quản lý, cải tạo môi trường nuôi tôm - lúa, để phát triển bền vững mô hình tôm- lúa bền vững.
Xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch
Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình tôm- lúa tại vùng ĐBSCL đang bộc lộ một số bất lợi như: Kỹ thuật nuôi người dân chưa được tập huấn thường xuyên, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất không ổn định; người dân ít quan tâm đến chất lượng con giống nên dễ xảy ra dịch bệnh; sản xuất lúa phục thuộc vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có giống lúa đặc thù cho từng vùng nên năng suất và chất lượng chưa cao và ổn định; người dân thiếu vốn sản xuất.
Do đó, để phát triển bền vững mô hình tôm - lúa vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng nhất là thủy lợi phục vụ cho sản xuất tôm - lúa. Đồng thời, thực hiện quy hoạch vùng tôm - lúa tập trung và tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ để tạo thuận lợi cho việc quản lý môi trường nuôi và xử lý chất thải ra môi trường; các mô hình trình diễn khuyến nông sau khi triển khai có hiệu quả tại địa phương cần bố trí bổ sung kinh phí để nhân rộng; khuyến khích triển khai các mô hình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, theo VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, mô hình tôm - lúa theo chuỗi giá trị đảm bảo lợi ích cho người nông dân, chú trọng tới việc đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt tập hợp các ý kiến đóng góp tại diễn đàn, sau đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ đề xuất các giải pháp nhằm đưa sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương sớm rà soát lại quy hoạch sản xuất vùng tôm - lúa hợp lý để đầu tư về hạ tầng thủy lợi khép kín phục vụ nuôi tôm và trồng lúa.
Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn để định hướng, tập huấn cho người dân người dân sản xuất tôm - lúa bền vững, đảm bảo năng suất cao; phối hợp với UBND các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang xây dựng vùng quy hoạch tôm - lúa 30.000ha, hỗ trợ các tỉnh xây dựng hợp tác xã và hỗ trợ kỹ thuật để hình thành vùng tôm - lúa đạt chuẩn, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch vùng ĐBSCL.