Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 2 năm 2020 | 19:52

Tin miền Trung: Dịch bệnh tái bùng phát

Với điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển, chính vì vậy các địa phương cần kiểm soát được dịch bệnh, kịp thời xử lý ngay những ỏ dịch mới phát sinh, tiêu hủy ngay những gia súc, gia cầm nhiễm bệnh.

Nghệ An xuất hiện  ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm
 
Trong khi cả nước đang căng mình để chống chọi lại với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV thì tại Nghệ An một ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra trên đàn gia cầm của 2 gia đình của xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) trong sáng 7/2. Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, dịch cúm A/H5N6 có thể lây lan sang người.
 
Theo ông Trần Minh Quân - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết, cuối chiều ngày 6/2, cơ quan thú y đã có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với dịch cúm A/H5N6 tại đàn gia cầm của 2 gia đình bà Hồ Thị Tình và ông Hồ Hữu Thắng ở xóm Hồng Phú, thuộc xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu).
 
tiêu-hủy-ngan-gà-tại-nghệ-an.jpg
Tiêu hủy ngan gà nhiễm bệnh tại Nghệ An (ảnh Báo Nghệ An)
Đến sáng ngày 7/2 chính quyền địa phương và cơ quan thú y lập hồ sơ, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số 160 con ngan, gà  ngay tại khu vực gia trại của 2 gia đình.
 
Ông Hồ Nghĩa Đường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng cho biết, ngay sau khi xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 tại xóm Hồng Phú, trong sáng 7/2, xã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin H5N6 trên toàn bộ số gia cầm, thủy cầm hiện có. Trước mắt, địa phương trích kinh phí mua hóa chất, vôi bột phục vụ công tác tiêu độc khử trùng.
 
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay: Ổ dịch H5N6 xảy ra tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) là ổ dịch cúm A/H5N6 đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm 2020. Để kịp thời phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ cung cấp đủ số lượng vắc xin phòng dịch theo đề nghị của địa phương.
 
Theo khuyến cáo của ông Ngô Đức Quỳnh, dịch H5N6 xảy ra trên đàn gia cầm có khả năng cao lây lan sang người, do vậy khi xảy ra ổ dịch, những người làm công tác tiêu hủy cần sử dụng các dụng cụ, đồ bảo hộ; đồng thời khẩn trương tiêu độc khử trùng trong khu vực có dịch.
 
Tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại 3 huyện
 
Trong ngày 6/2, trên địa bàn Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại 3 huyện là Đô Lương, Quế Phong và Kỳ Sơn với 7 điểm dịch, tổng số lợn tiêu hủy 22 con. Trong đó riêng xã Keng Đu, dịch xảy ra 5 điểm tại 5 hộ dân, số lợn tiêu hủy 20 con.
 
tiêu-hủy-lợn-dịch-bệnh.jpg
Tiêu hủy lợn mắc bệnh tại địa phương (ảnh Báo Nghệ An)

 

Ông Nguyễn Công Hiếu - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kỳ Sơn cho biết: Kỳ Sơn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên toàn huyện cách đây gần 1 tháng. Ổ dịch tại xã Keng Đu là điểm tái dịch đầu tiên trên địa bàn huyện tại thời điểm này.
 
Hiện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
 
Hà Tĩnh: 5 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi
 
Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.
 
tiêu-hủy-lợn-tại-hà-tĩnh.jpg
Tiêu hủy lợn mắc bệnh tại Hà Tĩnh (ảnh Báo Hà Tĩnh)

 

Dịch bệnh tại 5 xã này đã làm cho 58 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy với khối lượng 1,7 tấn của 6 hộ chăn nuôi.
 
Hiện tại, ngành chuyên môn và các địa phương vẫn đang tích theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, đảm bảo môi trường nhằm hạn chế lây lan rộng; tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ... trên địa bàn.
 
Với điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển, chính vì vậy các địa phương cần kiểm soát được dịch bệnh, kịp thời xử lý ngay những ỏ dịch mới phát sinh, tiêu hủy ngay những gia súc, gia cầm nhiễm bệnh để bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm đang được tái đàn.
 
Quảng Bình: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm
 
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 02/CĐ-UBND, điện Ban chỉ đạo 389 tỉnh; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Quảng Bình; UBND các huyện, thành phố, thị xã.
 
cum-gà-quảng-bình.jpg
Tập trung triển khai các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm
Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các Các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật theo đúng quy định của Luật Thú y; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019, Công văn số 467/BNN-TY ngày 15/01/2020; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch phòng chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1389/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 27/11/2019 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; Công văn số 123/UBND-KT ngày 05/02/2020 về việc thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh nCoV liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
 
Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới.
 
Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.
 
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; sử dụng gia cầm phải nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh.
 
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
 
Lấy mẫu giám sát phát hiện mầm bệnh cúm gia cầm tại các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm, vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả.
 
Chỉ đạo cơ quan thú y các cấp chủ động phối hợp, trao đổi thông tin dịch bệnh Cúm gia cầm trên động vật với cơ quan y tế cùng cấp.
 
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống truyền thanh tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho con người, bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, tránh gây hoang mang trong xã hội.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top