Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 16:37

Tin NN ĐBSH: Tạo động lực hỗ trợ các hợp tác xã năng động, vượt khó đi lên

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song nhiều HTX đã đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, vượt qua khó khăn để ổn định SXKD, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho thành viên, người lao động.

Vĩnh Phúc: Các hợp tác xã năng động, vượt khó đi lên

Cũng như các thành phần kinh tế khác, những tháng đầu năm 2020, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid - 19. Thế nhưng, trong khó khăn, nhiều HTX đã đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, vượt qua khó khăn để ổn định SXKD, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho thành viên, người lao động.

Toàn tỉnh hiện có gần 446 HTX đang hoạt động, với gần 109 nghìn thành viên. Trong đó, có gần 218 HTX nông nghiệp, gần 228 HTX phi nông nghiệp.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, dịch Covid - 19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của hầu hết các HTX trên địa bàn. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bình quân của các HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng hành cùng các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã thành lập 1 tiểu ban để tiến hành rà soát thiệt hại và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc do tác động của dịch Covid - 19. Kết quả rà soát, thống kê cho thấy, khó khăn lớn nhất của HTX trong thời điểm dịch bệnh là vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng, thuế…

 

1_22.jpg
Mặc dù chịu ảnh hưởng do dịch, song, năm 2020, HTX Cây xanh An Sơn. thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) vẫn nhận được nhiều hợp đồng lớn, giúp đảm bảo đời sống cho người lao động.

 

Liên minh HTX tỉnh đã đề nghị cấp trên, các ngành chức năng tạo điều kiện giúp các HTX tiếp cận và thụ hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhất là chính sách về tài chính, tín dụng… để các HTX từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất sau dịch.

Cùng với đó, làm tốt công tác hỗ trợ phát triển HTX, nhất là hỗ trợ về vốn phát triển SXKD cho các HTX. Từ đầu năm 2020 đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giải ngân cho 91 HTX có dự án khả thi vay vốn, với tổng số tiền gần 73 tỷ đồng.

Ngoài ra, những giải pháp như: Xây dựng chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm HTX; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ… được Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh, tăng cường.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Tam Đảo cho biết: Các thành viên của HTX chăn nuôi chủ yếu theo quy mô trang trại, sản lượng gối đầu nên lúc nào cũng có hàng nghìn con cung ứng ra thị trường.

Trong đó, có khoảng 70% sản lượng cung ứng cho Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam, với giá 70 nghìn đồng/kg; còn lại là bán cho nhà hàng, quán ăn và thương lái.

Tuy nhiên, dịch Covid - 19 bùng phát, các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, thương lái không đến thu mua, thỏ thương phẩm không bán được, hàng ứ đọng; doanh thu sụt giảm mạnh, chi phí thức ăn tăng lên, khiến các thành viên HTX gặp phải không ít khó khăn.

Trước thực tế đó, HTX đã định hướng các thành viên thay đổi phương thức kinh doanh. Thay vì, bán thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn, thương lái, các thành viên HTX tiến hành thịt sẵn, đóng gói và giao bán đến các hộ gia đình.

Cùng với đó, chú trọng công tác truyền thông và dành nhiều thời gian để tư vấn, chào hàng trực tuyến đối với những khách hàng tiềm năng.

Với cách làm này, sản phẩm của HTX đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhiều khách hàng. Đầu ra ổn định, doanh thu của HTX tăng lên, đời sống của các thành viên, người lao động được đảm bảo.

Là 1 HTX mạnh trong lĩnh vực tư vấn, thi công hệ thống cây xanh cho các nhà ở, công trình, song, dịch Covid - 19 cũng khiến HTX Cây xanh An Sơn, tổ dân phố Sơn Long, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Minh Hồng Thái, Giám đốc HTX Cây xanh An Sơn cho biết: Trong 6 tháng năm 2020, các hợp đồng đã ký kết trước đó thi công cầm chừng, vốn tồn đọng; số lượng các hợp đồng ký kết mới cũng khá ít.

Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người dân, doanh nghiệp hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở, công trình.

Trước thực tế đó, HTX đã củng cố lại đội ngũ nhân viên; rà soát, hoàn thiện hồ sơ năng lực để mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn vay và tham gia đấu thầu các dự án, hạng mục tư vấn, thi công cây xanh lớn ở các tỉnh, thành lân cận như Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội…

Nhờ vậy, 6 tháng cuối năm 2020, HTX vẫn nhận được một số hợp đồng tư vấn, thi công cây xanh lớn. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt hơn 6 tỷ đồng. HTX đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động thường xuyên và gần 20 lao động thời vụ.

Nhờ sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh cùng sự nỗ lực vượt khó trong nội tại HTX. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, song khu vực KTTT, mà nòng cốt là các HTX vẫn đạt được những kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, tạo động lực để các HTX tiếp tục vượt khó, vươn lên trong thời gian tới.

Thanh Hóa: Liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với đầu ra sản phẩm

Liên kết sản xuất nông nghiệp vừa là xu thế tất yếu, vừa là nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ở đó, người nông dân góp đất, HTX hoặc các doanh nghiệp có tiềm lực góp công nghệ, đứng ra liên hệ tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề này đang được thực hiện khá hiệu quả tại huyện Quảng Xương trong vài năm gần đây.

 

176d1214552t21997l0.jpg
Làng nghề nước mắm ở xã Quảng Nham với nhãn hiệu mắm Cự Nham đã vào được các chuỗi cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành.

Để thực hiện được các mô hình liên kết, các chuỗi sản xuất, huyện Quảng Xương đã và đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo chỉ đạo của tỉnh. Từ cuối năm 2019 đến nay, toàn huyện đã dồn đổi, tích tụ được hơn 300 ha đất nông nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn. Điển hình như các xã: Quảng Long 50 ha, Quảng Hòa 70 ha, Quảng Ngọc 62 ha, Quảng Lưu 23 ha... Nhiều mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa Bắc Thịnh, lúa nếp Hương tiếp tục được duy trì và mở rộng tại các xã: Quảng Văn, Quảng Ngọc, Quảng Long, Quảng Hòa và Quảng Yên. Ở những xã này, các HTX và địa phương đã đứng ra ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Giống Bắc Trung Bộ và Công ty An Thành Phong với sản lượng bao tiêu mỗi vụ khoảng 1.800 tấn lúa thương phẩm.

Thành công hơn là huyện đã xây dựng được 18 mô hình sản xuất theo chuỗi, có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông, Nhà nước và nhà doanh nghiệp. Điển hình trong số đó là 3 chuỗi sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Quảng Ngọc, Quảng Hòa, Quảng Yên, với quy mô trên 150 ha. Ngoài ra, còn 2 chuỗi rau, quả và 1 chuỗi rau, quả kết hợp nuôi ốc nhồi tại xã Quảng Hợp và thị trấn Tân Phong được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong chăn nuôi, huyện có 6 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm: 2 chuỗi chăn nuôi thỏ tại hai xã Quảng Hòa và Quảng Trường, 2 chuỗi chăn nuôi vịt thịt thương phẩm tại xã Quảng Bình, 1 chuỗi chăn nuôi gà thương phẩm tại thị trấn Tân Phong và 1 mô hình nuôi dê tại xã Quảng Hòa. Về thủy sản, huyện xây dựng được 3 mô hình nuôi cá nước ngọt ở các xã Quảng Định, Quảng Khê, thị trấn Tân Phong, 1 mô hình nuôi ngao giống ở xã Quảng Nham và 2 mô hình chế biến hải sản ở các xã Quảng Hải và Quảng Nham.

Gần đây, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng và duy trì mô hình trồng rau an toàn, mô hình khảo nghiệm các giống cây trồng mới. Đến nay, diện tích rau an toàn tập trung của huyện được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đã tăng lên 21 ha. Toàn huyện cũng phát triển được 38.000m2 nhà màng, nhà lưới cho sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Quảng Xương đã thâm nhập được các thị trường tiềm năng, điển hình như trồng hành xuất khẩu đi Hàn Quốc, nhiều sản phẩm rau an toàn, dưa các loại đã vào được các chuỗi cung ứng của các Siêu thị Big C, Co.opmart...

Theo ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương: Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và mô hình phát triển sản xuất đều phát huy hiệu quả, ứng dụng khoa học tiên tiến, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đây chính là những thành công bước đầu để huyện Quảng Xương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, người dân trên địa bàn tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện ngày càng tăng cao.

Hà Nội: Phát triển cây ăn quả có múi: Không để vượt tầm kiểm soát

Hiện nay, cây có múi thuộc nhóm chủ lực, có diện tích lớn nhất trong tổng diện tích cây ăn quả. Dù vậy, việc phát triển "nóng" cây có múi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, chất lượng sản phẩm. Do đó, cần thực hiện triệt để các giải pháp để việc phát triển cây ăn quả có múi không ngoài tầm kiểm soát.

Thực tế tại thành phố Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, những năm 2007-2008, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn thành phố chỉ khoảng hơn 2.000ha, tổng sản lượng trên dưới 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích cây có múi của Hà Nội lên tới gần 10.000ha (chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả toàn thành phố) với sản lượng khoảng 97.000 tấn/năm. Dự báo sản lượng tiếp tục tăng khi số cây trồng cách đây 2-3 năm sẽ cho khai thác.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) cho biết: Chỉ những loại bưởi có chất lượng cao mới tìm được chỗ đứng trên thị trường, còn lại rất khó tiêu thụ hoặc chỉ được giá thấp 8.000-10.000 đồng/quả tại vườn. Trong khi chỉ mới năm trước, giá bưởi tại vườn thường từ 20.000 đồng/quả trở lên.

 

cham-soc-cam-duong-tai-xa-k.jpg
Chăm sóc cam đường tại xã Kim An (huyện Thanh Oai), một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Ảnh: Thái Hiền.

 

Ở góc độ khác, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho hay, các giống cây có múi có nguồn gốc địa phương vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu; không ít giống đã thoái hóa, nhiều hạt; tỷ lệ các giống mới chọn tạo, giống nhập nội chưa cao... Sự phát triển quá “nóng” diện tích cây có múi trong khi chất lượng giống chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nêu thực trạng: Diện tích cây có múi của tỉnh tăng mạnh nhưng việc bảo quản, sơ chế, chế biến trái cây vẫn thô sơ, chưa có nhà máy chế biến sâu...

Tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin: Thành phố đã có “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ các địa phương 100% giống hoàn toàn sạch bệnh và là giống đầu dòng, cây giống bảo đảm Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013. Thành phố cũng đang từng bước hình thành trung tâm giống cây ăn quả công nghệ cao, trong đó chủ lực là cây có múi. Ngoài ra, Hà Nội đã áp dụng việc bảo quản bưởi bằng phương pháp tạo màng, thời gian bảo quản có thể tăng thêm 60 ngày.

Ở góc độ cơ sở sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà nêu: Để cây có múi phát triển bền vững, ngoài việc chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối hiện đại, mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ, có thêm sản phẩm sau thu hoạch... các cơ sở sản xuất cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng hữu cơ. Đây là yếu tố quan trọng, giúp các cơ sở sản xuất có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm cây có múi đạt chất lượng cao, có giá bán ổn định.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, Hà Nội sẽ phát triển cây có múi trong tầm kiểm soát, bao gồm kiểm soát diện tích trồng, chất lượng giống và sản phẩm đầu ra. Thời gian tới, Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng các vùng bưởi, cam hiện có, giữ vững thị trường tiêu thụ. Đến năm 2025, Hà Nội chỉ trồng mới 200ha với các giống: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ... Cùng với hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm.../.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top