Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 2 năm 2021 | 13:55

Tin NN: Thị trường một số nông sản “nóng’ từ đầu năm

Sau Tết một số mặt hàng nông sản như sắn, cá ngừ đại dương, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đánh dấu sự gia tăng mạnh về sản lượng và giá trị.

san.jpg
Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc tăng mạnh.

 

Xuất khẩu sắn tăng vọt

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2020 vừa qua ước đạt 2,8 triệu tấn, trị giá khoảng 989 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 96% tổng xuất khẩu sắn của Việt Nam.

Tháng 1/2021, do giá ngô thế giới tăng mạnh, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu sắn lát thay thế cho ngô trong một số ứng dụng, như thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đã được hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước trong tháng 1/2021 ước đạt 472.805 tấn, tương đương 174,62 triệu USD, tăng trên 23% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020; còn so với một năm trước đó (tháng 1/2020), tốc độ tăng rất mạnh, lần lượt là 122,9% (về lượng) và 139,7% (về kim ngạch), mặc dù giá xuất khẩu trung bình giảm nhẹ 0,5% so với tháng 12, còn 369,3 USD/tấn. So với tháng 1/2020, giá sắn xuất khẩu bình quân tháng vừa qua tăng 7,6%.

Trong các sản phẩm sắn xuất khẩu tháng 1/2021, xuất khẩu sắn lát ước đạt 168.864 tấn, kim ngạch 40,89 triệu USD, giá 242,2 USD/tấn, tăng mạnh 125% về lượng, tăng 280,8% về kim ngạch và tăng 69% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 1/2020 cũng tăng rất mạnh với mức tăng tương ứng 228%, 364% và 41,5%.

Trung Quốc đại lục tiếp tục là thị trường chủ đạo, nhập khẩu gần như toàn bộ sắn xuất khẩu của nước ta, chiếm chiếm gần 96% trong tổng khối lượng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sản và sản phẩm sắn tháng 1/2021, đạt lần lượt 453.456 tấn và 166,56 triệu USD, tăng 22% cả về lượng và kim ngạch nhưng giảm 0,5% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 1/2020 tăng cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 127,7%, 146,5% và 8,3%. Các thị trường xuất khẩu sắn còn lại của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua bao gồm chủ yếu là: Hàn Quốc (9.279 tấn, tương đương 3,08 triệu USD); Đài Loan (Trung Quốc) với 5.491 tấn, tương đương 2,51 triệu USD.

Các thị trường khác cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc là Thái Lan, Campuchia và Lào.

Với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Mỹ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, dự báo xuất khẩu sắn của nước ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì cao.

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trúng “lộc biển” đầu năm

Hiện nay, một số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xuyên Tết ở Phú Yên đã về cập cảng trúng “lộc biển” đầu năm.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, từ mùng 1 Tết đến mùng 3 Tết trên địa bàn có 9 tàu đánh bắt xuyên Tết trở về cập cảng.

 

cn4-1519830919105188108651-15498795748091311593890-crop-1549879583910815915894.jpg
Một số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xuyên Tết ở Phú Yên đã về cập cảng.

 

Trong đó có 7 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trở về đạt sản lượng từ 12 con đến trên 30 con/tàu, tương đương từ 500 kg đến 1,5 tấn. Đáng chú ý trong số tàu trên có 4 tàu đánh bắt với sản lượng trên 30 con và dự đoán sẽ có lãi cao.

Theo dự kiến vào ngày 17/2, tức mùng 6 Tết, ngư dân sẽ mở hầm tàu bốc cá ngừ bán cho các doanh nghiệp thu mua.

Được biết, toàn tỉnh Phú Yên có 85 tàu, 466 lao động đánh bắt xuyên Tết. Trước đó, ngày 9/2 tại Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT đã điện đàm từ hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến thăm, chúc Tết, động viên bà con ngư dân đang lao động trên biển dịp Tết Nguyên đán.

"Nóng" thị trường thức ăn chăn nuôi do khâu nguyên liệu

Giá thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu ở nước ta tăng cao trong mấy tháng gần đây do tác động từ giá quốc tế và tình trạng thiếu container rỗng gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng nhập khẩu.

 

tacn.jpg
Thiếu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

 

Theo đó, giá ngô tháng 1 tăng tới hơn 30% từ mức giá 6.000 đồng/kg lên 7.800 - 8.000 đồng/kg; khô đậu tương tăng từ 9.200 - 9.500 đồng/kg lên khoảng 15.000 đồng/kg; bột xương thịt cũng tăng trên 30% từ 9.500 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg. Ở nước ta, cơ cấu giá TACN chiếm khoảng 90% giá thành sản phẩm vật nuôi.

Thông tin từ Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải logistics toàn cầu do dịch COVID-19, việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nhà máy ép dầu và nguyên liệu TACN của Dabaco tháng 1 liên tục trong tình trạng vừa chạy máy vừa chờ nguyên liệu. Nhà máy Dầu thực vật Coba của Dabaco hiện mỗi tháng chỉ chạy được từ 18 - 20 ngày, còn lại phải dừng máy do nguyên liệu đậu tương nhập khẩu không về kịp dù trước đó doanh nghiệp đã chủ động tích trữ nguyên liệu lên tới 100.000 tấn.

Ngô là một thành phần trong thức ăn chăn nuôi. Giá ngô trên thị trường Châu Mỹ và Châu Âu đã tăng liên tiếp kể từ tháng 8/2020 do nhu cầu từ các thị trường Châu Á, cùng với quá trình khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, và triển vọng nguồn cung ở các nước Nam Mỹ sụt giảm do thời tiết khô hạn, giữa bối cảnh dòng chảy thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tình trạng thiếu container.

Giá gạo tấm trên thị trường thế giới thời gian qua cũng tăng nhanh do nhu cầu từ khách hàng Châu Phi vẫn duy trì trong khi xuất hiện thêm nhu cầu từ Châu Á.

Giá gạo 100% tấm Ấn Độ (giao tại cảng biển nước này) cuối tháng 1/2021 đã tăng lên 280 USD/tấn, so với 260 USD/tấn hồi tháng 12/2020, và dự báo sẽ còn tăng tiếp./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top