UBND TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các sở ngành liên quan phải nhanh chóng nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) để đề xuất thành phố giải quyết dứt điểm trong tháng 5.
Nhiều kiến nghị
Trước vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng ách tắc của nhiều dự án BĐS trong 2 năm qua, HoREA nhận thấy quá trình rà soát, thanh tra kéo dài sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Nguyên nhân do chi phí về vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, điều này không có lợi cho cả người mua nhà và thị trường BĐS. Mặt khác, nguồn thu ngân sách thành phố về tiền sử dụng đất cũng bị sụt giảm mạnh. Minh chứng rõ nhất là năm 2018 giảm 22,5%, 2 tháng đầu năm 2019 giảm 76% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và có đến 76 doanh nghiệp xây dựng BĐS nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất là 794 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS cũng đưa ra nhiều kiến nghị. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) liên quan đến 7 dự án của doanh nghiệp trên địa bàn quận Phú Nhuận, kiến nghị các sở, ngành khẩn trương thực hiện rà soát, sớm trình UBND thành phố để kết luận, xử lý, giúp sớm hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu, hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án, để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nộp ngân sách nhà nước (nếu có), để có thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ đầu tư và người mua nhà.
Đối với Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Phúc Lợi, trong quá trình triển khai dự án Chung cư cao tầng (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) và dự án Khu dân cư Trường Thọ, hai công ty có nhu cầu kết nối giao thông của dự án với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường D5, đường N2 và đường vành đai 2. Do đó, doanh nghiệp đề nghị được đăng ký nghiên cứu, lập dự án và thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp đối với Dự án đường vành đai 2, đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.
Công ty CP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về việc cần thiết quy hoạch các tuyến đường đi bộ trên cao kết nối với ga metro để phát huy hiệu quả khai thác và tăng tiện ích phục vụ nhân dân. Cụ thể, nhiều năm qua, công ty không thể tự thương lượng được với 03 hộ dân có đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền, quận 2 với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận.
Giải quyết dứt điểm các kiến nghị trong tháng 5
Không riêng những dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Theo đó, dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành (An Lạc, quận Bình Tân) là dự án nhà ở xã hội cho thuê trả tiền hàng tháng đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân tự bồi thường giải phóng mặt bằng, tự thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, theo HoREA, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ như: được miễn tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được tính chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư để tính đơn giá nhà ở xã hội cho thuê vì không phải là đất công, được đăng bộ để có thể vay vốn ngân hàng triển khai dự án.
Đại diện cho các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn thành phố, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng đề xuất rà soát gấp hơn 30 dự án BĐS còn đang trong diện “treo giò”. Hoặc đề xuất thành phố cho chỉ đạo “xử lý” hiện tượng các đại diện vốn nhà nước cứ “khất lần” kế hoạch tăng vốn tại các công ty cổ phần - nơi mà sở hữu nhà nước đang là cổ đông lớn, điều này khiến cơ hội kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp bị kìm hãm.
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS tại Hội nghị gặp gỡ với các doanh nghiệp BĐS (tháng 4/2019), UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan phải nhanh chóng nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp và HoREA.
Cụ thể, những đơn vị liên quan phải có văn bản trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp. Nội dung có thể tháo gỡ thì giải quyết theo quy định; nội dung còn vướng mắc thì báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết dứt điểm trong tháng 5/2019.
Người dân và doanh nghiệp BĐS tại TP. Hồ Chí Minh đang nóng lòng vì tháng 5 đã sắp hết.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.