Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2019 | 13:56

TP Hồ Chí Minh mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đô thị, Thành uỷ TP. HCM vừa ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

1.jpg
Khu đất đang tranh chấp tại phường Bình Trưng Đông (quận 2), mặc dù có yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng nhưng hành vi vi phạm xây dựng diễn ra ngang nhiên.

 

Hàng loạt vi phạm

Theo số liệu của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian từ 2017 đến giữa năm 2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng khoảng 5.800 trường hợp.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.550 công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch. Trong đó, quận Bình Tân có 8,5 vụ/ngày và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Theo thống kê, năm 2017 bình quân là 7,8 vụ/ngày, năm 2018 là 6,6 vụ/ngày.

Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Các trường hợp vi phạm xuất hiện nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, quận 12, quận Bình Tân và Bình Chánh. Tại các quận (huyện) này, việc mua bán đất nền và đất nằm trong quy hoạch bằng giấy viết tay diễn ra phổ biến, dễ dẫn tới gia tăng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.

Không chỉ xảy ra ở địa bàn vùng ven, tại các nhà ở riêng lẻ ở khu vực nội thành, ở những dự án lớn như vụ xây chui 110 biệt thự ở quận 7 tại dự án Green Star Sky Garden  khi chưa có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước; hay việc nhiều cán bộ quận Thủ Đức, quận 9, huyện Bình Chánh bị kỷ luật liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng. Cùng với đó, lãnh đạo đương nhiệm và tiền nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cũng đã bị phê bình, kiểm điểm vì điều chỉnh quy hoạch cho chủ đầu tư “mọc” thêm tầng tại dự án nhà ở xã hội Tân Bình Apartment số 32 Hoàng Bật Đạt.

Đơn cử tại quận 9, khu đất tiếp giáp đường 6, phường Long Bình do bà Nguyễn Thị Nga sử dụng, nhưng vi phạm trật tự xây dựng, lấn sông trong thời gian dài và không được xử lý dứt điểm. Theo UBND quận 9, khu đất này vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, san lấp lấn sông, rạch. Bản thân bà Nga không chỉ xây dựng công trình vi phạm mà còn cho một số doanh nghiệp thuê lại làm nhà xưởng và các công trình phụ trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt (đất cây xanh cảnh quan dọc sông, rạch, đất công viên cây xanh và đường dự phòng).

Tương tự quận 9, theo thông tin từ UBND huyện Hóc Môn, trên địa bàn hiện có 17 khu phân lô hộ lẻ và 62 khu phân lô tự phát, không được cơ quan chức năng chấp thuận, sai quy hoạch được duyệt, chưa thực hiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dẫn tới việc chưa giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân trong khu vực. Huyện đang rà soát, xử lý các trường hợp này.

Một trường hợp khác, liên quan đến khu đất gần 2ha đang tranh chấp giữa Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ và chùa Long Vĩnh. Theo đó, mặc dù có các quyết định của Toà án nhân dân quận 2, Chi Cục Thi hành án dân sự quận 2, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đối với phần đất đang tranh chấp.

Tuy nhiên, UBND phường Bình Trưng Đông lại “làm ngơ” cho việc xây dựng sai phép. Mặc dù trước đó, trong các biên bản làm việc, chính đơn vị này yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trong các biên bản xác minh sự việc của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2, đối tượng đang quản lý, sử dụng đất là ông Võ Phương Lâm, ông này có hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản như phát cỏ, san mặt bằng và làm tấm đan (gạch lót đường). Điều đáng nói, ông Võ Phương Lâm trước đây được trụ trì chùa (ông Thích Minh Nghị) uỷ quyền quản lý, sử dụng đất nhưng hiện tại uỷ quyền đã hết hiệu lực. Thậm chí, UBND phường Bình Trưng Đông còn cấp phép cho phần đất đang tranh chấp bất chấp các quyết định và báo cáo của đơn vị cấp trên cũng như cơ quan thi hành án.

Chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép

Hệ luỵ việc xây dựng không phép, sai phép là hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23 chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là một hành động thể hiện quyết tâm lớn của thành phố để giải quyết vấn nạn này. UBND Thành phố sẽ sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị số 23 và cam kết sẽ phân cấp, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.

Bên cạnh đó, sẽ kiên quyết xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng và những cán bộ quản lý có biểu hiện bao che, lơ là, thiếu trách nhiệm.

 

Trong nhiều nguyên nhân chủ quan, đáng chú ý là việc thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch, chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm có khoảng 200.000 người nhập cư. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp nhiều nơi chưa quyết liệt, còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực, có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ, lực lượng môi giới, cò bán đất, nhà trái phép luật, các doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý.

Tại Chỉ thị số 23-CT/TU, Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền các cấp thành phố chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước Đại hội đảng cấp quận, huyện. Các cấp uỷ quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ và mỗi Chi bộ về việc không để xây dựng không phép và trái phép, mỗi Đảng viên cam kết với tổ chức Đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng; các bí thư, chủ tịch UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn cam kết với cấp uỷ cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020, nếu không cam kết thì cấp uỷ bố trí công tác khác đối với cán bộ này.

Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo chính quyền thành phố thực hiện một số giải pháp quan trọng, trong đó có việc tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố, thực hiện liên thông trong cấp phép xây dựng về điều kiện đất đai, quy hoạch và thiết kế công trình xây dựng, trên cơ sở đó ban hành quy chế phối hợp để lập biên bản xử lý vi phạm, chuyển cơ quan thanh tra chuyên ngành xử lý sai phạm về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Mặt khác, về công tác bố trí số lượng lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị không bình quân chung ở các quận - huyện, phường - xã - thị trấn mà bố trí đông hơn, mạnh hơn ở những địa bàn có nguy cơ xảy ra xây dựng không phép, trái phép. Trong quý 3/2019, bố trí lại cán bộ, công chức ở phường - xã - thị trấn, quận - huyện có nhiều sai phạm, uy tín thấp.

Trong quý 3 và quý 4/2019, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm khi xây dựng không phép, sai phép; những đối tượng nào xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, có hành vi móc ngoặc với công chức thoái hoá để xây dựng và mua bán trái pháp luật thì xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh giao UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn đầy đủ việc niêm yết giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố theo quy định để người dân và các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời các sai phạm.

 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng xây dựng trái phép, không phép tồn tại lâu nay là do vấn đề này có lợi cho một số đối tượng, do đó TP. Hồ Chí Minh phải có hướng xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, ngay cả môi giới làm giấy phép xây dựng trái phép cũng phải bị xử lý. Lưu ý xử lý vi phạm trật tự xây dựng nên thông qua người dân, lực lượng chuyên trách và cần có quy chế phối hợp.

“TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1.200 thanh tra xây dựng nên rất khó có mặt 24/24 giờ giám sát công tác xây dựng trên địa bàn, nhưng người dân sinh sống ở khắp mọi nơi, do đó, chúng ta nên dựa vào dân, lực lượng chuyên trách để giám sát, phát hiện vi phạm trong trật tự xây dựng để lập lại trật tự xây dựng hiệu quả tốt hơn”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.


 


 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top