Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2015 | 9:47

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản hồi phục nhanh nhưng chưa vững

KTNT - Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi khá nhanh. Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đây là những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo khi sự phát triển này chưa thật sự bền vững.

Những tín hiệu khởi sắc

Theo số liệu từ HoREA, trong 05 năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng mới khoảng 39 triệu m2 nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17m2, tạo điều kiện cho nhân dân cải thiện nhà ở. Thành phố cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu thông qua chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, cho 2.380 cán bộ công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang vay vốn tín dụng ưu đãi (ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi suất) để tạo lập nhà ở, tạo tiền đề và kinh nghiệm để Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, giúp cho thị trường bất động sản chuyển sang giai đoạn phục hồi kể từ nửa cuối năm 2013 cho đến nay.Tuy nhiên, mặt còn hạn chế như chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án bất động sản dở dang; Tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn chưa hợp lý.

 Thành phố đang phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm

Cùng với đó, mặc dù thị trường đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc, phát triển chưa đồng bộ; Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường; chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố.

Hiện tại, thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công (nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%), có 189 dự án đã bị thu hồi; Nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội. 

Theo đánh giá của HoREA, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số cơ học, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, tiện ích, an toàn và thân thiện với môi trường, trong lúc nguồn lực của Nhà nước để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.

Phát triển các khu đô thị vệ tinh

Đã có nhiều giải pháp được thành phố đưa ra để khắc phục những tồn tại trên thị trường, trong đó, đáng chú ý nhất là "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị". Theo đó, nhiệm vụ là tập trung hoàn thành việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng, chỉnh trang đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng… Đây là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, bởi đã đặt ra vấn đề chỉnh trang đô thị hiện hữu, giải quyết các vấn đề về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nặng, phục vụ cho những đối tượng có thu nhập thấp và người nghèo đô thị, đi đôi với phát triển các khu đô thị mới trong mối tương quan cả vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh, vượt ra khỏi ranh giới hành chính.

Theo phân tích của HoREA, để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của Thành phố cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư, bởi lẽ nhu cầu nhà ở, không chỉ bức xúc đối với người có thu nhập thấp, người nhập cư, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, mà các đối tượng khác như lao động trẻ (mới ra trường, mới kết hôn), những người có thu nhập trung bình, và cả những người có thu nhập cao, người nước ngoài làm việc, sinh sống tại thành phố cũng có nhu cầu rất lớn. Hơn nữa, phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển đa dạng chủng loại nhà ở, vừa chỉnh trang phát triển các khu vực đô thị cũ (cũng phải chỉnh trang theo dự án, theo từng ô phố, khu phố để tránh tình trạng đầu tư các chung cư kiểu khoét lõm nhếch nhác, không đồng bộ), vừa hình thành nên những khu đô thị mới, vừa để bất động sản thực sự trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố.

HoREA cũng đề nghị phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, mà trên thực tế các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), Dĩ An, Lái Thiêu, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), TP Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, Tp Bà Rịa, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phát triển thành các thành phố vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị thành phố nên kiên trì tiếp tục đề xuất mô hình chính quyền đô thị để có cơ chế đặc thù, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cũng như khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố, thể hiện đầy đủ quan điểm thành phố vì cả nước, cùng cả nước và ở chiều ngược lại, Trung ương các tỉnh thành trong cả nước sẽ tạo điều kiện và phối hợp để thành phố bứt phá và phát triển bền vững.

Hiệp hội đề nghị cần thiết điều chỉnh chỉ tiêu quy mô dân số các quận, huyện ở mức độ hợp lý hơn, tạo điều kiện để các quận, huyện thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững và phát triển nhà ở, đặc biệt là những quận có nhiều nhà ven, trên kênh rạch, nhiều khu dân cư lụp xụp. Ngoài ra, cần có thêm một số giải pháp quan trọng khác để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng ngày càng bền vững như: Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả theo hướng minh bạch, nhanh chóngNhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khi đã bồi thường được từ trên 80% diện tích, đảm bảo lợi ích người có đất, lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội; Cùng với đó, cần đảm bảo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản bởi đặc thù của thị trường này”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết./.

Minh Tuấn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top