Mới đây, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập TP. Thủ Đức trực thuộc TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiền đề cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững
Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập TP. Thủ Đức thể hiện sự đúng đắn, quan tâm của lãnh đạo Chính phủ trong việc tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa dựa trên lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Dự thảo đề án thành lập TP. Thủ Đức sẽ bao gồm quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, quy mô khoảng 21.000ha, dân số 1 triệu người (sáp nhập trên cơ sở giữ nguyên quy mô diện tích và dân số).
TP. Thủ Đức đã hình thành 4 nền tảng quan trọng, gồm: khu công nghệ cao quy mô 913ha ở quận 9, tỷ lệ đầu tư lấp đầy khoảng 90 % với 156 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức), diện tích khoảng 643ha, có trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sỹ và khoảng 100.000 sinh viên. Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), diện tích khoảng 657ha, chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Cùng với đó là hệ thống hạ tầng đồng bộ: tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội.
Dự kiến, TP. Thủ Đức sẽ hình thành các khu vực trọng điểm: Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn, Trung tâm Sản xuất tự động hóa và Khu Công viên khoa học (SHTP giai đoạn 2), Đại học Quốc gia (Trung tâm Công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục), Khu vực kết nối Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao, khu vực Tam Đa và lân cận Đại học Long Phước (Trung tâm công nghệ sinh thái), Khu đô thị cảng Trường Thọ (khu đô thị tương lai, nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến đô thị).
Mục tiêu cốt lõi của TP. Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Sau khi hình thành, TP. Thủ Đức sẽ gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) đảm nhận vai trò trung tâm tài chính. Khu công nghệ cao (quận 9) sẽ sản xuất tự động, chuyển đổi ngành công nghiệp. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, Trung tâm Công nghệ sinh thái Tam Đa (quận 9) xây dựng công nghệ sinh học và công nghệ nông nghiệp, Trung tâm Thể thao Rạch Chiếc (quận 2) sẽ nâng cấp ngành chăm sóc sức khỏe, thu hút nhân tài đến sống.
Dự tính, việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh khai thác tốt hơn lợi thế về vị trí, tạo cơ hội thuận lợi để tận dụng nguồn nhân lực trẻ, sức tăng trưởng nhanh và tỉ lệ đô thị hóa cao, dần hình thành các chuỗi giá trị trong các ngành công nghệ cao, phát triển khoa học công nghệ như một yếu tố chủ chốt để phát triển đô thị nhanh và bền vững.
Thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ
Thành phố thu hút được nhân tài và phát triển các kỹ năng trong lực lượng lao động, đồng thời góp phần tinh giảm bộ máy hành chính, đẩy tiến trình cải cách hành chính dựa vào công nghệ mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý, thông qua những thay đổi trong cơ chế phân cấp về ngân sách cho thành phố trực thuộc, TP. Hồ Chí Minh được tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại TP. Thủ Đức theo cơ chế phân bổ có yếu tố ưu tiên đối với các ngành đặc thù mũi nhọn phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo.
Cùng với đó, việc xác định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ dần hình thành nền tảng vững chắc cho các cam kết của chính quyền với nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định của các cơ chế, chính sách.
Trong khi đó, công tác quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao đã và đang nhận được sự quan tâm tích cực của các tổ chức quốc tế, bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính cải tiến, hợp tác, tạo môi trường kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đã xây dựng đề án và kiến nghị Trung ương về việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, với tên tạm gọi là TP. Thủ Đức. Thành phố này rộng hơn 21.000ha và sẽ có khoảng 1 triệu dân. TP. Thủ Đức được thành lập sẽ thực sự là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ.
Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số thành phố nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa. Ngoài ra, còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trước đó, UBND quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Có từ 82 - 97% cử tri đồng ý với việc sáp nhập 3 quận nói trên để thành lập thành phố Thủ Đức. Đây là động lực quan trọng để thành phố vững tin hoàn thiện và triển khai đề án, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và sự mong mỏi của người dân thành phố.
Đề án thành lập TP. Thủ Đức đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương ủng hộ về mặt chủ trương, đồng thời giao nhiệm vụ cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện đề án. Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 16/11 sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.