Tại hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh”, UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin, sẽ huy động tổng thể nguồn lực để hình thành Khu đô thị sáng tạo (KĐTST).
Điểm nhấn khu Đông
Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên mũi nhọn là kinh tế tri thức, nơi tập trung các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao có thể liên kết với nhau; là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao, khu vực phía Đông của thành phố được dự kiến hình thành “Đô thị sáng tạo TP. Hồ Chí Minh”.
Với cơ sở nền tảng cho sự hình thành phát triển, KĐTST ở khu Đông (quận 2, quận 9, Thủ Đức) có diện tích khoảng 22.000ha, số dân khoảng 1 triệu người. Qua quá trình phát triển, đã hình thành các Khu công nghiệp và Khu chế xuất như: Linh Trung 1 (62ha), Linh Trung 2 (61,74 ha), Cát Lái (124ha), Bình Chiểu (23,74ha). Khu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học (tại quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An - Bình Dương) gồm 18 trường đại học và viện nghiên cứu với diện tích khoảng 643ha cùng 110.000 sinh viên….
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ như tuyến Xa lộ Hà Nội (tuyến cửa ngõ của thành phố), tuyến Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh đến Long Thành – Dầu Giây, cảng Cát Lái, khu Thể dục thể thao Rạch Chiếc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA), khu Đông có sức hấp dẫn do tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch, trong đó nổi bật là quận 9. Muốn xây dựng thành công, bền vững KĐTST tại khu Đông, cần xác định giao thông là “mạch máu”, đồng thời quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, tránh tình trạng thổi đất, phân lô bán nền tràn lan như cuối năm 2017 tại quận 9 và quận Thủ Đức.
Việc kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, Trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao và Trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, KĐTST được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả.
TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển về hướng Đông trong những năm tới vì thừa hưởng hệ thống giao thông gắn kết phát triển vùng: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Do đó, việc tác động của KĐTST đối với khu vực này khá lớn, cho dù quỹ đất hiện còn hạn chế.
Tiền đề triển khai cuộc cách mạng 4.0
Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được coi là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của thành phố. Cụ thể, Nghị quyết cho phép thành phố tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo cơ chế cho thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Nói cách khác, Nghị quyết số 54 trao cho thành phố cách làm để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
Về Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đề án sẽ giúp thành phố quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo để ngăn chặn, bớt việc phải “giật mình” khi phát triển vì đô thị thông minh sẽ đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên số liệu được cập nhật liên tục hằng năm và có tính kế thừa.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu Ban điều hành Đề án khẩn trương hoàn thiện và thí điểm phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền, cũng như tiếp tục nâng cấp các giải pháp hỗ trợ người dùng, cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát giao thông, môi trường, triển khai giáo dục thông minh.
Năm 2018 là năm bản lề đối với TP. Hồ Chí Minh, vì là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Song song với việc rà soát đánh giá tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã thông qua, thành phố rõ ràng cần xây dựng và đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới. Việc phát triển KĐTST sẽ là hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng đô thị sáng tạo liên kết quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức không chỉ là mối quan hệ hành chính mà còn mang tính đặc thù của thành phố trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo gắn với phát triển thị trường.
Thành phố cũng hoạch định nhiều mục tiêu, trong đó mong muốn có được lực lượng chuyên gia đến hiến kế, xây dựng đề án, tư vấn cho thành phố phát triển theo hướng giá trị cao, hàm lượng cao. Ngoài ra, thành phố khoa học sáng tạo sẽ giúp thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, gắn với khởi nghiệp, điều mà hiện nay thành phố vẫn còn thiếu các trung tâm, cơ sở giúp doanh nghiệp xây dựng ý tưởng sáng tạo, biến nó thành hành động khởi nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.