Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 7 năm 2016 | 10:13

TP.Hồ Chí Minh: Sẽ tiếp tục công khai nhiều dự án bị thế chấp

KTNT – Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chiều ngày 29/07, do Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh (VPĐKĐĐ) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức để thông tin về các dự án đang thế chấp ngân hàng trên địa bàn thành phố.

Nhiều hình thức thế chấp

Liên quan tới vấn đề Sở Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh công bố danh sách 77 dự án bị thế chấp ngân hàng trên tổng số khoảng 600 dự án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi xảy ra việc ngân hàng xiết nợ xảy ra một số chung cư trên địa bàn thành phố, hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra. UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các cơ quan có liên quan tiến hành công bố 77 dự án hiện đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà.

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo

Vấn đề thế chấp của các dự án tại tổ chức tín dụng, theo ông Liên trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư thế chấp đất và tài sản liên quan thành nhiều giai đoạn. Ban đầu thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp, sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thì chuyển sang thế chấp quyền sử dụng đất ở, khi có quyết định phê duyệt dự án thì chuyển sang thế chấp đất ở và tài sản hình thành trong tương lai. Các dự án công bố thông tin về việc thế chấp trong những ngày qua là các dự án đến giai đoạn làm thủ tục để Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn. 
Liên quan tới vấn đề này, ông Liên cũng thông tin, với những dự án đang thế chấp ngân hàng mà chủ đầu tư muốn bán căn hộ nào thì phải giải chấp đối với căn hộ đó. Như vậy, người mua lại căn hộ có quyền được thế chấp căn hộ vừa mua. Khi chủ đầu tư làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà thì phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cơ quan đăng ký cập nhật bổ sung từ quyền sử dụng đất của riêng chủ đầu tư thành quyền sử dụng đất chung của những chủ sở hữu căn hộ và những người sở hữu các phần khác trong dự án.
Riêng trường hợp chủ đầu tư dự án đã được công bố trên giải chấp một phần hoặc toàn bộ tài sản thế chấp thì sẽ được Sở Tài nguyên và môi trường công bố lại thông tin ngay lập tức. Những dự án có chuyển biến tốt như chủ đầu tư đã giải chấp, cập nhật quyền sử dụng đất từ của riêng sang của chung, làm giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho khách hàng, xóa thế chấp toàn bộ cũng sẽ được công bố lại.

"Nếu cung cấp thật đầy đủ, có phân loại từng loại hình thế chấp, chúng tôi tìm trong các hợp đồng thế chấp thì không có thông tin phản ánh như các doanh nghiệp yêu cầu. Qua đó, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới, chúng tôi sẽ dựa vào những thông tin từ phía Ngân hàng nhà nước để phân loại một cách chuẩn xác hơn", Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Hạn chế thông tin danh sách dự án đang thế chấp

Hàng loạt các câu hỏi “nóng” của các cơ quan báo chí xoay quanh các vấn đề như việc công bố danh sách 77 dự án đang bị thế chấp có giúp minh bạch hóa thị trường bất động sản, các căn cứ của việc công bố thông tin, có hay không nhiều dự án không thế chấp vẫn có trong danh sách các dự án đang thế chấp, các danh sách Sở Tài nguyên và môi trường công bố đã thực sự đầy đủ hay chưa?……

Giải thích vấn đề này, ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, việc công bố thông tin để đầy đủ cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan sở - ban - ngành. Việc công bố danh sách 77 dự án hiện đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trong thời gian qua về thông tin vẫn có phần bị hạn chế. Theo đó, các dự án được công bố thông tin đang thế chấp từng phần hay toàn bộ tại các tổ chức tín dụng chỉ dựa trên thông tin trên sổ đăng ký, đơn đăng ký và hợp đồng thế chấp. Thông tin trong đó rất đơn giản, không đầy đủ. Do vậy, vấn đề đặt ra ngay từ chính người đi vay cần cung cấp thông tin đầy đủ.

Cũng theo ông Liên, sau đợt công bố 77 dự án đang thế chấp ngân hàng, Sở Tài nguyên Môi trường cho sẽ thực hiện một số việc tiếp theo. Cụ thể, chúng tôi sẽ trình UBND TP. Hồ Chí Minh xin ý kiến công bố định kỳ các dự án thế chấp, có thể từ 1-2 tháng/1 lần, tùy vào sự cho phép của UBND TP. Hồ Chí Minh và cơ sở hạ tầng, nguồn lực. “Để khuyến khích chủ đầu tư các dự án chú ý đến việc làm sổ cho người mua nhà thì khi giải chấp 1 căn hộ, chúng tôi sẽ update liên tục, hoặc chủ đầu tư làm tốt công tác làm thủ tục cho người dân, chúng tôi cũng công bố”, ông Liên chia sẻ.

Cùng vấn đề này, đại diện VPĐKĐĐ cũng cho rằng trong thời gian qua nhận được nhiều ý kiến phản hồi về việc công bố thông tin. "Việc cung cấp thông tin này dẫn đến nhiều dư luận, chúng tôi trước hết lắng nghe các cơ quan báo chí để đút kết kinh nghiệm, đưa thông tin đi vào chiều sâu nhằm giúp cho các bên hài hòa. Hiện nay việc cung cấp thông tin có 2 loại: trên website của cơ quan và cung cấp trực tiếp khi cá nhân có yêu cầu", ông Liên chia sẻ thêm.

Ngoài ra, việc công bố thông tin chủ yếu lựa chọn các dự án gắn liền giữa quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở hình thành trong tương lai), từ thời điểm Luật đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực, ngày 1/7/2015. “Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc phải công bố thông tin liên quan đến những vấn đề tài sản, dự án thế chấp nên chúng tôi căn cứ vào Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới nhất và chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh để triển khai. Những dự án theo quy định của pháp luật, phải có chứng nhận của Sở Xây dựng về đủ điều kiện mua bán và đã hoàn thành thủ tục hoặc những dự án đã hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa ra sổ cho người dân chúng tôi thấy cần thiết phải công bố” - ông Liên nói.

Trả lời về việc, nhiều doanh nghiệp bị “bêu” tên trong danh sách 77 dự án đang cầm cố ngân hàng trong khi họ không đầu tư dự án nào (dự án Saigon Pearl tại Bình Thạnh), hoặc có trường hợp không thế chấp nhưng vẫn có tên (các dự án của Phú Mỹ Hưng)..., ông Liên cho biết sẽ làm việc với từng chủ đầu tư để xem xét lại thông tin và có công bố đầy đủ trong thời gian tới.

Cũng tại buổi họp báo, ông Liên nhấn mạnh để tránh xảy ra thêm những sự việc như ở chung cư The Harmona vừa qua, thực hiện quản lý chặt về mặt nhà nước đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo rà soát và tập trung xử lý các dự án đã thế chấp ngân hàng có nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà... Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã công bố lần đầu danh sách các dự án nhà ở có thế chấp tại các ngân hàng thương mại./.

Lại Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top