Kết quả chấm chung khảo đã lựa chọn được 41 cá nhân có các tác phẩm đạt giải báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 3 năm 2019.
Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 3 năm 2019 đã thu hút hàng trăm phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tham gia.
Trên cơ sở chấm thi vòng sơ khảo, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 71 tác phẩm vào chấm vòng Chung khảo. Kết quả chấm chung khảo đã lựa chọn được 41 cá nhân có các tác phẩm đạt giải (trong đó có 04 giải A; 08 giải B; 14 giải C; 15 giải khuyến khích) và 01 giải tập thể có nhiều tác phẩm dự thi và có nhiều tác phẩm đạt giải.
Tính đến hết ngày 31/8/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận được 325 tác phẩm dự thi với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình... Có nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương gửi tham dự nhiều tác phẩm như: Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội, Báo Lao động và Xã hội, Báo Quảng Nam, Đài PTTH Lai Châu, Truyền hình Nhân Dân, Báo Hà Giang, Báo Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đài truyền hình Quảng Ngãi, Báo Thái Bình…
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Chất lượng các tác phẩm gửi dự thi năm nay đã được nhiều cơ quan báo chí đã có sự đầu tư kỹ, khá đồng đều, nhiều tác phẩm dài kỳ về công cuộc giảm nghèo tại địa phương, cơ sở (3 - 4 kỳ trở lên); nhiều tác phẩm truyền hình và phát thanh, báo in có chất lượng tốt, phát hiện cách làm hay hiệu quả, cũng như phản ánh những bất cập trong công tác điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, bên cạnh đó nhiều tác giả đã đi sâu phân tích, lý giải nguyên nhân nghèo đói tại địa phương cơ sở, đề ra khuyến nghị, giải pháp để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới…”.
Theo ông Hồ Quang Lợi, các tác phẩm cũng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bởi những yếu tố chủ quan (cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở; sự sáng tạo, vận dụng phù hợp với từng địa bàn); khắc phục, loại bỏ tâm lý trông chờ dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước. Đồng thời phản ảnh những yếu tố khách quan, những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững như: xuất phát điểm của các huyện, xã, thôn bản nghèo vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn thấp, một số vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng, hậu quả của thiên tai lũ lụt…).
Qua các tác phẩm dự thi cũng đã phân tích, so sánh với việc thực hiện các nhóm chính sách giảm nghèo từng giai đoạn, qua đó truyền tới mọi người thông điệp “Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 không đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo có đủ cơm ăn áo mặc, mà còn phải đảm bảo để họ có thể tiếp cận bình đẳng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Có mặt tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gửi lời chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo trong công cuộc giảm nghèo của đất nước. “Lễ trao giải báo chí viết về công tác giảm nghèo lần thứ 3 năm 2019, cũng là một trong chuỗi những sự kiện được diễn ra trong Tháng cao điểm “Ngày Vì người nghèo 17/10”, và đây cũng là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để thúc đẩy Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân”, Phó Thủ Tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công cuộc giảm nghèo của chúng ta còn tiếp tục trên một chặng đường dài, càng về giai đoạn cuối, lõi nghèo tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, vào các đối tượng khó có khả năng thoát nghèo; bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt nên số người nghèo phát sinh ngày càng tăng, điều đó đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt quan trọng là sự đồng hành của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên tạo phong trào giảm nghèo sâu rộng, lan tỏa các gương điển hình, các tập thể, doanh nghiệp trong việc chung tay vì người nghèo.
Phó Thủ tướng đánh giá, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã sắp kết thúc, chuẩn bị đánh giá tổng kết Chương trình, trên cơ sở đó đề xuất, định hướng khung chương trình giai đoạn tới. Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55% (tương ứng với trên 300 nghìn hộ nghèo thoát nghèo/năm). Đến cuối năm 2018, đã có 8/64 huyện nghèo và 14/30 huyện nghèo (hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2019, có khoảng 20 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; đến nay đã có 44/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2019 khoảng 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; và cũng đã có 121 xã, 1.286 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
“Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa cuộc thi trong năm 2020, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo cũng như về Cuộc thi. Đồng thời động viên các phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia Cuộc thi”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Nhân dịp Lễ trao giải Cuộc thi lần thứ 3 năm 2019, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 phát động đợt nhắn tin “Cả nước chung tay vì người nghèo" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức với cú pháp: VNNn gửi 1408 (trong đó n là số lần ủng hộ 20.000 đồng, n từ 1 đến 100, mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng nhân n lần) để hưởng ứng “Ngày Quốc tế chống đói nghèo" và cũng là “Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam” 17/10. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.