Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều nông dân đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Suối Đá - Phước Bình 2 (Dương Minh Châu - Tây Ninh) đã áp dụng cách làm trên, từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Ông Trần Hữu Lộc (ấp Phước An, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) cho biết, cách đây hơn 5 năm, ông quyết định phá bỏ 10ha cao su kém hiệu quả để trồng bưởi da xanh. Từ khi trồng bưởi, ông hướng đến mục tiêu tạo sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc bưởi, ông chỉ sử dụng các loại phân chuồng hữu cơ.
Theo ông Lộc, việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây xanh tốt và bền cây hơn nhiều so với dùng phân hoá học; đặc biệt, tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, bảo đảm tính bền vững cho đất.
Để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây, ông Lộc áp dụng phương pháp cày xới luống giữa những hàng bưởi gieo hạt giống đậu phộng (lạc), sau khi cây đậu lớn, ông cho máy cày vùi làm phân bón hữu cơ cho cây bưởi hấp thụ.
Còn để phòng trừ sâu bệnh, ông tự chế thuốc trừ sâu bằng ớt, tỏi, gừng xay ra rồi ngâm với rượu thành một hỗn hợp đặc biệt phun xịt cho cây trồng. Khoảng 10 ngày phun xịt hỗn hợp này 1 lần, vừa bảo đảm trị được sâu bệnh, vừa không ảnh hưởng môi trường mà vườn cây vẫn phát triển tốt, an toàn cho người trồng cũng như người sử dụng.
Trong số 10ha bưởi da xanh của ông Lộc, có khoảng 1,5ha đang cho trái, được canh tác theo hướng sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP. Thời gian qua, do địa phương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ bưởi của gia đình ông Lộc gặp khó khăn.
Giá bưởi xuống thấp, nhưng nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch nên sản phẩm trái bưởi của gia đình ông vẫn được nhiều thương lái ưa chuộng, giá bán hơn bưởi cùng loại vài ngàn đồng/kg.
Ông Mai Thành Long, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Suối Đá - Phước Bình 2 chia sẻ, Tổ liên kết hiện có 26 thành viên với hơn 50 ha bưởi da xanh, được canh tác theo hướng hữu cơ. Sản phẩm bưởi sạch của tổ được một doanh nghiệp lớn bao tiêu nên đầu ra luôn ổn định.
Theo ông Nguyễn Hồng Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Đá, việc thành lập Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Suối Đá - Phước Bình 2 đã tập hợp được các hộ trồng bưởi trên địa bàn, nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón và dinh dưỡng cho cây bưởi, hướng dẫn bà con tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học vì đây là những vật tư có ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, môi trường và làm tăng chi phí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi giá phân bón tăng cao.
Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Suối Đá - Phước Bình 2 còn là đầu mối để các thành viên tiếp cận với doanh nghiệp phân phối vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm, giúp bà con an tâm sản xuất.
Hiện nay, việc lạm dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp còn phổ biến, làm cho đất đai bị thoái hoá, bạc màu, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khoẻ người tiêu dùng.
Do đó, sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển đổi tích cực, người nông dân được chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng.