Để nâng cao giá trị trái dừa thương phẩm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, gần đây, tỉnh Bến Tre phát triển mô hình sản xuất hữu cơ theo hướng liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm chất lượng “sạch”.
Trồng dừa theo tiêu chuẩn “sạch”
Xã Châu Hoà (Giồng Trôm) có hơn 1.100ha dừa; trong đó 190ha dừa trồng theo hướng hữu cơ với 175 nhà vườn tham gia. Đây là mô hình trồng dừa theo tiêu chuẩn “sạch” hạn chế tối đa phân, thuốc hóa học.
Ông Phạm Quang Đằng, nhà vườn ở xã Châu Hòa cho biết, trồng dừa hữu cơ có nhiều cái lợi, nhất là hạn chế được chi phí sản xuất, trong khi năng suất và giá bán trái dừa tăng lên. “Trồng dừa hữu cơ so với dừa thường rất có hiệu quả, trái dừa và năng suất dừa ổn định quanh năm. Các doanh nghiệp mua dừa hữu cơ giá cao hơn dừa thường 5-10%. Trồng dừa hữu cơ không phải là dễ, phải có quy trình riêng, cần thay đổi tập quán canh tác”, ông Đằng nói.
Bà Lê Thị Bé Tám, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, cho biết, do hiệu quả kinh tế cao nên xã viên đang nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ. Mới đây, HTX đã ký hợp đồng sản xuất dừa hữu cơ với các doanh nghiệp theo hướng bao tiêu sản phẩm như: Công ty Betrimex, Công ty Dừa Lương Quới. Bước đầu, Công ty Betrimex đã liên kết bao tiêu với HTX trên diện tích 150ha, 142 hộ của 7 ấp (xã Châu Hòa), thu mua trái dừa với giá hơn 90.000 đồng/chục, cao hơn dừa ngoài mô hình 15.000 đồng/chục.
“Dừa hữu cơ bây giờ giá từ 80.000 đồng/chục trở lên và có thể hơn nữa. Nói chung, những người trồng hiệu quả thì thích dừa hữu cơ. Mình chăm sóc dừa hữu cơ thì đất sạch, không bị ô nhiễm hay hư đất. HTX đang hợp tác với Công ty Betrimex thu mua dừa hữu cơ. Dừa hữu cơ giá tốt, tới đây, HTX sẽ cố gắng cùng với Công ty Betrimex tuyên truyền cho bà con mở rộng, tham gia trồng dừa hữu cơ”, bà Lê Thị Bé Tám cho biết thêm.
Khuyến khích nhân rộng
Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình trồng dừa hữu cơ. Chính quyền và nhân dân địa phương xác định chỉ trồng theo hướng hữu cơ thì trái dừa mới nâng cao chất lượng, có sức cạnh tranh và đủ điều kiện để “xuất ngoại”. Nhà vườn trồng dừa hữu cơ là hướng tất yếu để thu lợi nhuận cao.
“Hiện nay, huyện rất quan tâm dừa hữu cơ. Định hướng sắp tới, chúng tôi tiếp tục liên kết doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành Trung ương để tiếp tục nhân rộng mô hình hữu cơ, nâng cao hiệu quả cho bà con trong sản xuất nông nghiệp. Dừa hữu cơ chúng tôi đã triển khai tại nhiều địa phương, như: Hưng Lễ, Châu Bình… Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng ở các xã còn lại”, ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho hay.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là định hướng của ngành nông nghiệp địa phương; trong đó mô hình sản xuất dừa hữu cơ đang được tạo điều kiện và khuyến khích nhà vườn nhân rộng. Đến thời điểm này, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và EU đạt trên 10.500ha; trong đó, gần 5.200ha đạt chứng nhận và diện tích đang chuyển đổi trên 5.300 ha.
Hiện tại, có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu dừa hữu cơ, điển hình như: Công ty dừa Lương Quới, Betrimex, BEINCO... Ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, chi phí sản xuất cho nhà vườn, tích cực phòng trị sâu bệnh, khắc phục thiệt hại do hạn, mặn để phát triển cây dừa hữu cơ.
“Để nhân rộng dừa hữu cơ, thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng có nhận thức cộng đồng về dừa hữu cơ cũng như cách làm hữu cơ, tạo sức lan tỏa, được sự ủng hộ của cộng đồng. Thứ hai, quy hoạch lại địa bàn có thể làm dừa hữu cơ, tập trung đầu tư phát triển. Liên kết với doanh nghiệp khai thác thị trường dừa hữu cơ để sản phẩm hữu cơ có chỗ đứng, tạo giá trị tăng thêm. Chú trọng công tác chuyển giao kỹ thuật để làm hữu cơ, xây dựng các quy trình chuẩn về hữu cơ để nhân rộng”, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre khẳng định.
Trong chuyến tham quan mô hình trồng dừa hữu cơ ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá rất cao mô hình sản xuất này. Theo ông Nam, sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất dừa hữu cơ; xây dựng mô hình dừa hữu cơ thí điểm theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.
Bến Tre có tổng diện tích vườn dừa thương phẩm trên 73.000 ha, dẫn đầu cả nước. Giá trị ngành dừa chiếm hơn 50% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Do đó, việc sản xuất dừa “sạch”, dừa hữu cơ là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng, giá trị trái dừa, xây dựng thương hiệu trái dừa Bến Tre phục nhu cầu càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.