Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 14:18

Trồng thanh long ruột đỏ: Hướng đi mới của nhà vườn Lục Yên

Gần đây, nông dân một số xã trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

thanh-long-ruot-do.jpg
Tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ xã Yên Thắng.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Hoàng Văn Tây ở thôn Làng Thọoc, xã Yên Thắng. Với  trên 3 sào vườn, để tăng hiệu quả kinh tế, năm 2017, gia đình ông Tây chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Với phương châm vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, ban đầu ông Tây trồng thử nghiệm hơn 300 trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên hơn  năm sau cây đã ra quả.

Hiện, thanh long nhà ông Tây đã cho thu hoạch 5 lứa quả, 5 tạ quả/lứa, với giá bán 15.000-20.000 đồng/kg, trừ chi phí,  thu lãi 50 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ cây thanh long ruột đỏ, gia đình ông Tây tiếp tục trồng thêm 100 trụ thanh long, dự kiến, sang năm 2022 bắt đầu cho thu hoạch.

Còn gia đình ông Nguyễn Tiến Hoà (thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân) trồng 400 trụ thanh long ruột đỏ từ năm 2015, mỗi năm thu hoạch 8 lứa quả, mỗi lứa 1 tấn quả. Với giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông Hoà thu về 160 triệu đồng/năm. Ông Hoà cho biết: Trồng cây thanh long ruột đỏ chăm sóc dễ hơn trồng các loại khác, vì cây thuộc họ Xương rồng, sức sống rất mãnh liệt, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác.

Phù hợp với thổ nhưỡng vùng cao

Thanh long ruột đỏ là loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Theo đánh giá của nhiều nông dân, đặc điểm nổi trội của giống thanh long ruột đỏ là ít sâu bệnh, dễ trồng, quả ăn có vị ngọt hơn so với thanh long ruột trắng, nhất là khi vào mùa quả, thanh long thường cho 5-8 lứa quả, tuỳ vào cách chăm sóc và sự phát triển của cây, mỗi lứa cách nhau 25-30 ngày, nên rất thuận lợi khi tiêu thụ.

Đây là loại cây chịu hạn tốt, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Lục Yên, giống cây lại rẻ. Để trồng thanh long ruột đỏ, cần dựng trụ bê tông cao 1,8-2 m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu khoảng 50cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3-1,4 m cho cây mọc, tỏa nhánh xung quanh. Hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được hưởng nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời như nhau, mỗi trụ xi măng trồng 4 gốc thanh long xung quanh.

Sau khi trồng nên tưới nước định kỳ 2-4 ngày một lần. Do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc. Ngoài ra, cần thường xuyên tỉa cành và tạo tán cho cây. Với giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg, 100 trụ thanh long cho thu nhập 20-42 triệu đồng và chỉ sau 1 năm trồng đã cho quả bói; từ năm thứ 2, cây sẽ cho quả ổn định về năng suất.

Hiện nay, trồng cây thanh long ruột đỏ đang được bà con nông dân các xã trong huyện Lục Yên nhân rộng; tạo nên cơ cấu cây trồng đa dạng để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân; phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ sản xuất của bà con địa phương. Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà vườn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các xã, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong việc hỗ trợ, tiêu thụ thanh long, đảm bảo vừa giữ được giá, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 

 

Khắc Điệp - Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc
Top