Trước ngày bầu cử của những cử tri đặc biệt ở "xóm chạy thận" giữa Hà Nội
Không khí náo nhiệt, phấn khởi và tự hào của những cử tri đặc biệt ở “xóm chạy thận" giữa Hà Nội trước ngày diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Những cử tri "đặc biệt”
Không biết từ bao giờ, con ngõ 121 Lê Thanh Nghị còn có thêm một cái tên gọi là “xóm chạy thận giữa Hà Nội”, bởi đây là nơi quy tụ của hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, họ đến từ khắp trên các tỉnh, thành trở về đây sinh sống và điều trị.
Trưa 21/5, men theo những con đường ngoàn nghèo, ngõ, ngách dưới cái nóng oi bức ngày hè của Hà Nội, phóng viên tìm đến ngõ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, Hà Nội. Hiện trước mắt chúng tôi là khu nhà trọ lụp xụp của những bệnh nhân nghèo, nơi đây được gọi là “xóm chạy thận”… Bà Dương Thị Hoài (66 tuổi, quê Nam Định) cẩn thận lấy ra một túi phong thư, bên trong là lá phiếu cử tri được bà gấp và cất ngay ngắn, bà lấy ra ngắm nghía, trên khuôn mặt tỏa vẻ phấn chấn và háo hức.
Chỉ còn 2 ngày nữa, bà Hoài sẽ cùng cử tri cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
Bà Hoài bị suy thận 12 năm nay. Cũng từng ấy thời gian bà bám trụ tại dãy nhà trọ nơi mình đang sinh sống. Xung quanh căn nhà trọ ẩm thấp, lụp xụp ấy đều là những bệnh nhân chạy thận có chung hoàn cảnh giống như bà Hoài.
Sắp đến ngày được tham dự bầu cử, tâm lý bà Hoài cùng mọi người đều phấn khởi. Bà chờ đợi, thu xếp việc chạy thận để bầu những người đại biểu có tâm, có tầm, gần gũi với nhân dân.
“Mỗi tuần tôi chạy thận 3 lần. Vào ngày 23/5 này tôi cùng nhiều người ở đây sẽ thu xếp đi bầu cử sớm. Đây là nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm bầu ra những người xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân. Với chúng tôi, ngày bầu cử là ngày thật đặc biệt”, bà Hoài chia sẻ.
Trước đây, khi ở quê bà Hoài cũng tham gia, phụ trách vận động người dân tham gia bầu cử. Vào những ngày này không khí luôn náo nhiệt. Những thông điệp “Nhiệt liệt chào mừng ngày bầu cử…” cứ thế rộn ràng khắp đường quê, ngõ phố.
“Tôi mong muốn các đại biểu được lựa chọn sẽ gần dân, có kế sách phát triển kinh tế nước nhà vững vàng để chúng tôi được nhờ, an tâm chữa bệnh. Đại biểu gần dân sẽ hiểu được những hoàn cảnh như chúng tôi khi thiếu thốn tình cảm, xa gia đình, con cái, bệnh tật đau ốm quanh năm. Dịch bệnh không về được nhà, chúng tôi rất cô đơn nhưng tinh thần đã phấn chấn để hưởng ứng ngày bầu cử sắp diễn ra”, bà Hoài tâm sự.
Có thâm niên 13 năm ở xóm chạy thận, bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, ở huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) có 3 kỷ niệm khi đi bầu cử ở Hà Nội. Với bà, lần nào ngày trọng đại này cũng thật đặc biệt khi không khí mọi nơi luôn rộn ràng, náo nhiệt và đầy hân hoan.
“Đây là lần thứ 3 tôi tham gia bầu cử tại Hà Nội. Do sức khoẻ yếu, lại suy thận nặng nên tôi cũng ít về quê nhà. Dù vậy, nhưng việc đi bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình. Trước khi đến ngày bầu cử, chúng tôi nắm được mọi thông tin qua đài báo, loa phát thanh phường... Thông qua đó chúng tôi cũng nắm được và nghiên cứu sơ qua lý lịch các đại biểu ứng cử, từ đó lựa chọn ai có đức, có tài, lý lịch trong sạch, đây là quyền lợi của mỗi cử tri như chúng tôi”, bà Sự chia sẻ.
Theo bà Sự, trong số các đại biểu có nhiều người khá trẻ tuổi. Tuy nhiên, về trình độ học vấn đều là những người có năng lực chuyên môn, được đào tạo bài bản, làm việc vì nhân dân.
Tin tưởng các đại biểu hết lòng vì nhân dân
“Tôi mong muốn nhất trong dịp bầu cử lần này là chọn được người có năng lực thật sự. Mong muốn Đảng, Nhà nước cùng nhân dân chung lòng đẩy lùi được dịch Covid-19 để chúng tôi đỡ lo lắng. Gần 2 tháng nay tôi chưa về nhà với con cháu. Hiện, Bắc Giang cùng một số địa phương dịch bệnh bùng phát nhiều cho nên không biết bao giờ mới được về nhà.
Bên cạnh đó, tôi mong các đại biểu được bầu sẽ dùng tiếng nói của mình quan tâm những người hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi như chỗ ăn chỗ ở đỡ lụp xụp, ở chỗ cao ráo, sạch sẽ thì giá thuê quá đắt mà chúng tôi đa phần đều là những bệnh nhân nghèo đến chi phí sinh hoạt còn chật vật nói gì đến mơ ước hơn nhiều hơn”, bà Sự nói.
Tiếp lời bà Sự, ông Hoàng Văn Tuấn (48 tuổi) sống 19 năm ở xóm chạy thận cũng trải qua 3 lần tham gia bầu cử tại UBND phường Đồng Tâm. Đây là lần thứ 4 ông Tuấn tham gia bầu chọn những người đủ đức, đủ tài.
“Tôi mong muốn các đại biểu sẽ quan tâm cộng đồng, xã hội trong đó có những người chạy thận. Chúng tôi mong muốn các lãnh đạo sau sẽ xem những bệnh nhân như người dân ở đây bởi ai ai cũng là những người tạm trú dài hạn, gắn bó phần đời còn lại của mình ở đây”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng mong dịch bệnh sớm được dập tắt bởi những người chạy thận như ông đều không có sức đề kháng. Gần 1 tháng nay, kể từ đợt dịch bùng phát trở lại ông đã không còn chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
“Những người chạy thận như tôi, mỗi tháng chi phí tối thiểu khoảng 7 triệu đồng kể cả tiền thuốc men, nhà ở, ăn uống… Đợt vừa rồi dịch bệnh thất nghiệp cũng may có bạn bè hỗ trợ. Tôi phải chạy thận đến nay đã 19 năm. Tôi làm nghề xe ôm trang trải cuộc sống. Vợ con ở quê khó khăn, mình không giúp được gì nên không muốn là gánh nặng cho gia đình. Tôi mong các đại biểu được chọn lựa hiểu, gần gũi với nhân dân”, ông Tuấn trải lòng.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, anh Mai Anh Tuấn (44 tuổi, huyện Ba Vì, Hà Nội), Trưởng xóm chạy thận chia sẻ, đây là lần thứ 5 anh tham gia bầu cử cùng người dân khu vực. Xóm chạy thận có 134 bệnh nhân nhưng trong đó có 11 người ở phường khác.
“Bệnh nhân về địa bàn dân cư nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân. Chúng tôi mong sao những đại biểu được bầu xứng đáng với lòng tin của nhân dân”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, việc lựa chọn các đại biểu với anh không có khó khăn gì. Anh cùng mọi người đều đã nắm được danh sách đại biểu lần này, cũng như thông tin quá trình công tác của các đại biểu. Anh sẽ có những lựa chọn đại biểu xuất sắc nhất cho nhiệm kỳ tới đây.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.
Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.