70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí nói riêng và xã hội nói chung.
Truyền thống vẻ vang 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam. Nguồn: TTXVN
Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Ông Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám (1945), hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.
Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành.
Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.
Ngày 04/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 02/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ.
Ngày 16-17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Ngày 07-08/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
Từ ngày 8-10/12/1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký.
Từ tháng 1/1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội. Một sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ này là tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6/ 1925, ngày ra số đầu của báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
Từ ngày 16-18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi. Theo Điều lệ mới sửa đổi, Ban Chấp hành Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký. Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký; các ông: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó Tổng Thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28/12/1989, kỳ họp thứ 6 QH khóa VIII quyết định thông qua Luật báo chí.
Từ ngày 08-09/3/1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 Uỷ viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của Hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Điểm nhấn lớn nhất tại Đại hội này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Cũng trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24- 25/3/2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2000), giới báo chí Việt Nam và Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11-13/8/2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Ông Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; ông Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.
Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010. Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.
Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011, ông Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) ngày 27/3/2012, đã nhất trí để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch và bầu ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân tiếp quản chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Hà Minh Huệ là Phó chủ tịch Thường trực. Các ông Mã Diệu Cương, Trần Gia Thái làm Phó chủ tịch, ông Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Từ 07-09/8/2015 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên - nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 57 đồng chí. ÔngThuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Hồ Quang Lợi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, ông Mai Đức Lộc làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Bé làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.
Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là Chỉ thị rất quan trọng với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước. Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội thống nhất, chặt chẽ; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Chỉ thị cũng yêu cầu tổ chức Hội cũng cần quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, của người làm báo; có hình thức động viên khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội, nhất là các tổ chức hội, hội viên trực tiếp hoạt động ở những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chỉ thị số 43 cũng lưu ý người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân... Thời gian tới, để xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường công tác giáo dục, thực hiện tốt Luật Báo chí, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên; chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương hoạt động theo Điều lệ chung. Đặc biệt, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Hội cũng phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo... |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.