Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 9 năm 2016 | 2:10

TT GD nghề nghiệp - GD thường xuyên huyện Vị Xuyên: Chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã nỗ lực đào tạo nghề theo nhu cầu cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Lớp học thực hành trồng nghệ tại xã Linh Hồ.

Đến thăm HTX cơ khí Minh Nhật tại xã Trung Thành, trong tiếng ồn ào của xưởng máy, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Bá Bình, chia sẻ: “Năm 2011, sau khi theo học lớp đào tạo nghề cơ khí ngắn hạn, tôi bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thành lập HTX cơ khí chuyên sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ cho bà con trong xã. Trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng, thu nhập cao gấp nhiều lần làm ruộng. Tôi thấy tiếc là mình đã không mở xưởng sớm hơn”. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà HTX của anh còn góp phần giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Xuyên, cho biết, năm 2016, Trung tâm được giao đào tạo nghề cho 417 học viên, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia là 150 chỉ tiêu; chương trình ngân sách địa phương là 247 và xã hội hóa là 20 chỉ tiêu. Đến hết tháng 6/2016, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề được 8 lớp, gồm 247 học viên. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu và đăng ký của học viên, Trung tâm tập trung đào tạo các ngành nghề: trồng dứa 2 lớp (70 học viên); nuôi và phòng trị bệnh trâu, bò (60 học viên); sửa chữa máy nông nghiệp (95 học viên) và trồng cây dược liệu (22 học viên)… Các lớp chủ yếu được đào tạo tại các xã Phong Quang, Linh Hồ, Quảng Ngần và Bạch Ngọc. Công tác dạy nghề của Trung tâm đã đáp ứng được một phần nhu cầu học nghề của người lao động và thực hiện các chỉ tiêu về tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

Ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm.

Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác tuyển sinh đúng đối tượng, đổi mới phương pháp giảng dạy chuyên sâu, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thực hành, bố trí địa điểm học lý thuyết và thực hành thuận lợi nhất cho người học, chuẩn bị đầy đủ giáo cụ, vật tư thực hành và mời một số giáo viên thỉnh giảng là kỹ sư, cử nhân công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y… tham gia giảng dạy nên các lớp dạy nghề, đào tạo của Trung tâm đều đạt kết quả cao, người học nắm bắt tốt kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng nghề. Vì thế, sau khi học xong, hầu hết học viên đều có thể vận dụng tốt vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho  gia đình mình.

Cũng trong năm 2016, cùng với việc tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm còn tích cực liên kết với Trường Trung cấp nghề Bắc Quang tổ chức cho 39 học sinh lớp trung cấp nghề điện công nghiệp thi tốt nghiệp và đã được công nhận tốt nghiệp. Đồng thời còn mở 01 lớp trung cấp nghề điện công nghiệp (29 học sinh) và duy trì sĩ số các lớp trung cấp nghề khác như hàn, may công nghiệp (60 học sinh).

Ông Thụ cho biết thêm: Thực tế, việc đầu tư vốn nhỏ lẻ không đủ hoàn thiện cơ sở vật chất, Trung tâm thiếu xưởng thực hành, giáo viên dạy nghề phần lớn là hợp đồng thỉnh giảng. Cùng với đó, việc huy động cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tham gia dạy nghề còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Thời gian đào tạo ngắn, từ 1 - 3 tháng chỉ đủ để học lý thuyết mà chưa có nhiều thời gian thực hành nên hiệu quả chưa cao. Chi phí đầu tư xây dựng các mô hình còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành của học viên.

Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo còn là bài toán khó hơn. Lao động tham gia học nghề nông nghiệp chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình, chưa có sự liên kết, đầu tư để xây dựng các mô hình, mang lại thu nhập cao hơn. Giải quyết việc làm mới cho lao động qua đào tạo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Dạy nghề nông nghiệp rất thiết thực nhưng đào tạo xong, người dân chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất và quan trọng nhất là giải quyết đầu ra còn khó khăn, từ đó, chưa đáp ứng được yêu cầu xóa nghèo bền vững.

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thực sự đem lại hiệu quả, ông Thụ đề nghị: Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề. Đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở dạy nghề gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề. Và xây dựng cơ chế để chuỗi liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) đảm bảo sự chặt chẽ, hài hòa để giúp nông dân cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, tạo quy trình sản xuất bền vững, phát huy được ngành nghề đào tạo.

Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên đánh giá, những năm qua, Trung tâm GDNN - GDTX đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của UBND huyện, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, đa số người lao động nông thôn đã vận dụng được kiến thức đã học vào sản xuất tại gia đình cùng với địa phương thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đỗ Hùng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top