Dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp. Để có thể giành chiến thắng trong “cuộc chiến” này, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng là chưa đủ mà phải cần thêm sự đồng thuận, chung tay từ phía người dân.
Cũng như các địa phương khác, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong mặt trận đấu tranh với “giặc Covid-19”, sự nỗ lực của hệ thống chính trị là không cần bàn cãi. Nhưng phía người dân, đâu đó vẫn có sự thờ ơ, cá nhân, thậm chí là vụ lợi… Và, trong cuộc chiến mà bất cứ sự sai sót nào cũng có thể phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của người dân thì những hành động thờ ơ, vụ lợi kia thực sự đáng lên án.
Để khắc phục những “lỗ hổng” này, ngoài việc huy động tối đa sức lực của lực lượng chức năng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vận dụng nhiều biện pháp để tạo nên sự đồng thuận của người dân trong việc tham gia chiến đấu với “giặc Covid-19”.
Công khai thông tin chính thống để người dân nắm, người dân yên tâm và người dân đồng thuận
Ngày 01/8/2020, tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có những đánh giá, chỉ đạo cho tình hình hiện tại. Trong đó, ông Thọ cho rằng, tiếp tục thực hiện việc công khai thông tin chính thống để người dân nắm và chủ động phòng chống dịch bệnh, tạo sự đồng thuận, yên dân.
Sau cuộc họp đó 01 ngày, từ ngày 02/8 các bản Thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (đợt 2) được đăng tải đều đặn vào 17h00 hằng ngày tại Cổng thông tin điện tử và nhiều kênh thông tin khác của địa phương này. Qua Thông cáo báo chí, việc giám sát, cách ly, xét nghiệm, điều trị và công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế được thể hiện chi tiết.
Có thể nói, đây là sự “trở lại cần thiết” của các bản Thông cáo báo chí về tình hình dịch Covid-19. Bởi lẽ, trước đó, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 từ khoảng tháng 3 – 4/2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã công khai 60 Thông cáo báo chí để người dân nắm, người dân yên tâm và người dân thực hiện các biện pháp mà Ban chỉ đạo đề ra.
Mặt khác, trong những ngày vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát đi 04 Công điện khẩn (số 05 vào ngày 29/7, số 06 vào ngày 31/7, số 07 vào ngày 02/8 và số 08 vào ngày 03/8) để thông báo về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đến các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.
Nhiều người vẫn còn nhớ vừa qua (đêm 31/7), thông tin về một trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở trọ tại đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế đã khiến họ lo lắng như thế nào.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã nhanh có mặt tại đây để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tiến hành truy vết những người có liên quan. Ca nghi nhiễm ngay sau đó được đưa đi xét nghiệm PCR (02 lần) và kết quả đều là âm tính. Sự việc này đã được công khai trên các bản tin đại chúng vào ngày 01/8.
Hay, ngay sau khi nắm được thông tin các ca bệnh 589, 601, 602 tại Đà Nẵng trước khi được phát hiện, công bố là dương tính với Covid-19 đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định lộ trình những địa điểm mà các bệnh nhân này đã đến tại Thừa Thiên - Huế và công bố rộng rãi cho người dân thông qua Thông báo khẩn số 01 (cập nhật ngày 02/8/2020).
Thêm vào đó, những Công văn đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành trong thời gian qua liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19 đều được thông tin đến quần chúng nhân dân nắm bắt.
Số lượng ca dương tính với Covid-19 được chuyển từ Đà Nẵng và Quảng Nam ra điều trị tại tỉnh Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cũng như tình trạng sức khỏe của họ đã được cơ quan chức năng địa phương này cập nhật đến người dân qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Tiếp nhận mọi phản ánh, công khai tất cả những trường hợp xử lý
Để kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 31/7/2020, UBND tỉnh này đã có văn bản số 6825/UBND-CT yêu cầu các sở, ngành liên quan triển khai tổng đài nóng tiếp nhận, giải đáp các thông tin liên quan phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thiết lập ngay đường dây nóng tiếp nhận thông tin toàn tỉnh về tình hình dịch bệnh Covid-19 qua đầu số: 1900 - 1075. Tổ chức cấp phát số điện thoại công vụ để chuyển tiếp đường dây nóng cho Công an tỉnh và 23 đội phản ứng nhanh (CDC) toàn tỉnh phục vụ công tác xử lý thông tin trực tiếp người dân phản ánh.
Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý ngay các trường hợp phản ảnh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không chấp hành các quy định giãn cách xã hội để giáo dục, răn đe.
Và, thực tế, trong những ngày gần đây, thông qua phần mềm Hue-S, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc các trường hợp đăng tải thông tin không đúng sự thật liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, gây hoang mang dư luận.
Tất cả những phản ánh của người dân thông qua phần mềm Hue-S nói chung và đặc biệt là những phản ánh liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 đã được lực lượng chức năng nhanh chóng xác minh, điều tra, kết luận và xử lý. Những kết quả xử lý sau đó cũng đã được lực lượng chức năng phản hồi đến người dân trực tiếp tại phần mềm Hue-S và qua các kênh thông tin đại chúng.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm trách nhiệm bảo mật thông tin; tránh việc rò rỉ, chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng cụ thể.
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh rằng: “Nguyên tắc xuyên suốt của tỉnh ta vẫn là ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng và dập dịch. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, sớm khắc phục triệt để những tồn tại trong thời gian vừa qua, mọi sự sai sót đều phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của người dân. Vẫn biết cuộc chiến phòng chống dịch đang còn khó khăn, nhưng chúng ta phải động viên nhau để vượt qua và làm thật tốt, vì sức khỏe của cộng đồng.
Nếu chúng ta không tập trung phương tiện, con người và kể cả ý chí thì nguy cơ thất bại trong công tác phòng chống dịch là hiện hữu. Những gì làm được phải cố gắng làm bằng được, làm tất cả bằng mọi nổ lực để công tác phòng chống dịch được tốt nhất”.Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.