Để hướng tới đạt hiệu quả cao hơn, khắc phục những tồn tại trong năm học 2018 - 2019, từ sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và căn cứ tình hình thực tiễn, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2019 - 2020.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Tân, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, lãnh đạo địa phương đã và đang giao cho ngành giáo dục tỉnh thực hiện nhiều quyết sách nhằm cải thiện kết quả dạy - học trong năm 2019 - 2020. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành giáo dục định hướng trong năm học tới sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Đầu tiên, trong năm học tới, ngành giáo dục sẽ siết chặt, thực hiện hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Trong công tác này, sẽ chú trọng quản lý hiệu quả trong từng hoạt động của các cơ sở giáo dục cho đến mỗi giáo viên; tiếp đến quản lý chặt chẽ, nghiêm túc đối với hoạt động dạy thêm trên địa bàn.
“Sau mỗi hoạt động, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo tham gia phải cho thấy được kết quả một cách rõ ràng. Nếu kết quả đã tốt thì tiếp tục phát huy, nếu kết quả chưa tốt thì phải rút kinh nghiệm và quyết tâm thực hiện hoạt động sau hiệu quả hơn. Đặc biệt, không chạy theo thành tích”, ông Tân nhấn mạnh.
Thứ hai, trong ngành giáo dục phải kết nối hiệu quả giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo nên một nguồn lực to lớn trong giáo dục học sinh và muốn thực hiện điều này nhà trường phải thể hiện được vai trò chủ chốt, từng giáo viên phải thể hiện được vai trò cầu nối của mình.
Thứ ba, trong chăm sóc, giáo dục phải phát triển được tài năng và kỹ năng sống cho học sinh.
“Nói cách khác đó chính là phát triển toàn diện cho học sinh. Muốn thực hiện được điều này mỗi giáo viên phải xác định tinh thần “không được để em học sinh nào lại phía sau”, phải tạo điều kiện cho tất cả cùng tiến bộ. Do đó, mỗi giáo viên phải nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh sống của từng em học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp. Đặc biệt, đối với độ tuổi tiểu học, sự quan tâm của giáo viên đến học sinh càng phải được chú trọng, chất lượng của độ tuổi này phải được giám sát chặt chẽ bởi vì đây là giai đoạn này sẽ ảnh hưởng lớn đến các em sau này”, Phó giám đốc Tân phân tích.
Thứ tư, trong năm học 2019 – 2020, các cơ sở giáo dục sẽ diễn ra trong môi trường “Xanh – Sạch – Sáng”. Việc xây dựng môi trường thân thiện như vậy sẽ được giao cho từng cơ sở giáo dục thực hiện dựa trên nguồn lực vốn có cùng với sự năng động, sáng tạo tại mỗi cơ sở.
“Xây dựng được môi trường Xanh – Sạch – Sáng trong các cơ sở giáo dục trước tiên là để tạo dựng bầu không khí giúp các em học sinh học tập hiệu quả, phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân; mặt khác, khi tham gia xây dựng môi trường trường học cũng chính là giúp các em phát triển các phẩm chất đạo đức, thẩm mỹ…; xa hơn nữa, hành động này là sự chung tay cho việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở nên đẹp hơn, văn minh hơn”, Phó giám đốc Tân nói.
Cuối cùng, bản thân mỗi giáo viên sẽ phải không ngừng hoàn thiện chính mình. Ông Tân bật mí, trong năm học 2019 – 2020 ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức các hội thảo để giúp giáo viên cập nhật kiến thức mới, cách thức đánh giá và phương pháp giảng dạy mới…
Trong năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đưa truyền thống, văn hóa và lịch sử địa phương vào trong nội dung giáo dục; cùng với đó, đơn vị sẽ có kế hoạch để xây dựng trường kiểu mẫu trong các bậc đào tạo.
Trong buổi trao đổi, Phó giám đốc Tân rất trăn trở về những khó khăn hiện tại của giáo viên và các cơ sở giáo dục. Ông Tân cho hay, lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm đến điều này, tuy nhiên, trong điều kiện nhất định việc khắc phục những hạn chế đó chưa thể nào thực hiện ngay được.
“Để nâng cao đời sống cho giáo viên và khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa nếu chỉ chờ vào nguồn vốn từ nhà nước thì rất khó. Muốn khắc phục những điều đó, người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục cần nhanh nhạy, linh hoạt trong việc tìm tòi giải pháp để tạo động lực, tạo bầu không khí tích cực cho giáo viên và có chế độ hoặc đề xuất chế độ chính sách hợp lý cho giáo viên. Ngoài ra, người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần tranh thủ những điều kiện từ địa phương, từ các tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng môi trường giáo dục tại cơ sở mình quản lý”, ông Tân chia sẻ thêm.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.