Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 4 năm 2016 | 8:13

30 năm và hành trình “nâng tầm” mô hình VAC

Song hành với quá trình đổi mới của đất nước và ngành nông nghiệp, trong 30 năm qua, Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam cũng đã từng bước “nâng tầm”mô hình kinh tế VAC phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Ở mỗi thời kỳ, mô hình kinh tế VAC đã hoàn thành tốt sứ mạng của mình, và hiện nay đang tiếp tục có những đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương.

Lớn mạnh trong gian khó

Hội viên HLV xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang) có thu nhập cao nhờ trồng cam Canh.

Được đánh giá là mô hình sinh thái bền vững không có vật thải, VAC tỏ ra thích nghi với mọi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác của nhiều nông dân. Phát triển từ nghề vườn vốn đã gắn bó với cuộc sống của nông dân Việt từ hàng nghìn năm trước, lấy ý tưởng của Bác Hồ: “Trên vườn cây - dưới ao cá”, HLV Việt Nam đã đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng ở khuôn viên hộ gia đình, gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi lên từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng, từng bước tiến lên phát triển VAC hàng hóa, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Tiến trình này cũng phù hợp và song hành với sự đổi mới của đất nước và ngành nông nghiệp trong suốt 30 năm qua.

Thời điểm mô hình VAC ra đời, Việt Nam vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, đói nghèo là một nỗi ám ảnh. Vì vậy, việc phát triển những khu vườn, vuông ao để cải thiện điều kiện dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn gia đình đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết. Hình thức làm VAC dinh dưỡng được Hội vận động đi từ đơn giản, dễ làm. Ban đầu là mấy luống rau ngắn ngày, vài cây ăn quả dễ trồng, vuông ao nhỏ để nuôi cá theo phương thức đánh tỉa thả bù, chăn nuôi vài con gà, lợn... Tưởng có vẻ đơn giản nhưng mô hình không chỉ được nhân dân ta hưởng ứng mà còn được bạn bè quốc tế khâm phục, đánh giá đây là cách làm độc đáo để nâng cao thể trạng người Việt.

Được thành lập cách đây 30 năm, lúc mới thành lập, tổ chức HLV  chỉ có 125 hội viên. Đến nay, tổ chức Hội đã có ở 58 tỉnh, 493 huyện và 6.197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840.000 hội viên, trong đó có 15 hội địa phương được xếp là hội đặc thù.

Khi VAC dinh dưỡng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, HLV lại tiếp tục phát triển mô hình kinh tế VAC với mục tiêu cao hơn: xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Chủ trương giao đất, giao rừng cho dân quản lý để thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc; phong trào đấu thầu, giao khoán các loại đất thùng đào, thùng đấu, đất trũng lầy thụt, đất ven đê, ven sông,… đã tiếp sức cho các mô hình VAC ra đời, từ chỗ diện tích nhỏ, manh mún, nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho những trang trại VAC phát triển.

Nhiều mô hình do Hội chỉ đạo và vận động đạt thu nhập cao như:  trồng cam canh, bưởi Diễn của một số gia đình ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thu nhập 300 -500 triệu đồng/năm; vườn cây ăn trái gắn với du lịch ở Củ Chi (TP. Hồ Chi Minh) cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Ngay cả khu vực miền núi cũng có những mô hình cho thu nhập cao như: trồng cam ở Vị Xuyên (Hà Giang), Cao Phong (Hoà Bình) cho thu nhập 500 triệu -1 tỷ đồng/ha; trồng đào chín sớm ở Mộc Châu (Sơn La) cho thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi ba ba, nuôi nhím ở Chi Lăng, Lộc Bình (Lạng Sơn), Sông Mã (Sơn La) cho thu nhập 200-300 triệu đồng/hộ. Ở các tỉnh phía Nam, có nhiều mô hình trồng các cây ăn quả đặc sản cho thu nhập cao và có giá trị xuất khẩu như: thanh long (Bình Thuận), bưởi da xanh (Tiền Giang, Long An…), nhãn Idol, xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung  (Đồng Tháp)… Nhiều mô hình kinh tế VAC còn có tác dụng cải tạo vùng đất phèn mặn và kết hợp với du lịch sinh thái, điển hình như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang đã vận động hội viên và nông dân xây dựng hàng trăm mô hình VAC - tràm - lúa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình VAC kết hợp du lịch sinh thái cho thu nhập 160- 250 triệu đồng/hộ/năm.

Phong trào phát triển kinh tế VAC đã có đóng góp quan trọng, giúp tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác ở nước ta tăng từ 54,6 triệu đồng/ha (trồng trọt), 103,8 triệu đồng/ha (nuôi trồng thủy sản) năm 2010 lên 82,5 triệu đồng/ha và 183,8 triệu đồng/ha vào năm 2015. Ở nhiều vùng thuần nông, thu nhập từ làm VAC đã trở thành nguồn thu nhập chính, chiếm 60-70% thu nhập hàng năm của hộ gia đình.

Theo GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, mô hình kinh tế VAC cũng cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để chuẩn bị cho hành trang này, năm 2008, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tiêu chuẩn riêng về sản xuất nông sản an toàn của Việt Nam (VietGAP), được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó (GlobalGAP, AseanGAP…), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, HLV Việt Nam cũng tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC áp dụng theo hướng GAP và xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp theo phương châm sản xuất kết hợp với tiêu thụ sản phẩm. Cuộc vận động sản xuất cây ăn quả theo quy trình GAP đã được hội viên HLV các tỉnh có sản phẩm VAC hàng hóa tập trung ở Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ trên các sản phẩm thanh long, chôm chôm, bưởi da xanh, xoài, vú sữa... Đến nay, nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng đã áp dụng sản xuất theo VietGAP thành công trên vải thiều, nhãn, cam, rau xanh…; một số Hội địa phương như: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Tháp, Bến Tre… còn triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản như: ong mật Sơn La, cam Cao Phong, gà đồi Yên Thế, vải Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Da xanh, xoài Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn … và kết hợp cấp chứng chỉ VietGAP cho các hộ gia đình là hội viên. Trung ương Hội cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao triển khai  một số dự án phát triển cây ăn quả, cây thanh long theo VietGAP ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Những bài học quý

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, dẫu còn gặp không ít khó khăn nhưng HLV và mô hình kinh tế VAC đã khẳng định được vị thế quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Đạt được thành tựu này là nhờ Hội có tôn chỉ mục đích đúng đắn, các cấp Hội, hội viên nắm vững tính chất của Hội để hoạt động, vận dụng bước đi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội đã đi đúng đường lối quần chúng từ tuyên truyền vận động, giác ngộ quyền lợi, tập hợp lực lượng và tổ chức, phát huy nội lực quần chúng nên phong trào đi nhanh, vững chắc.Trung ương Hội và lãnh đạo Hội các cấp coi trọng chăm lo xây dựng mạng lưới, đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công tác Hội; luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các cấp, tăng cường phối hợp hợp tác với các ngành, các cơ quan, các đoàn thể để nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để Hội hoạt động tốt, phong trào phát triển mạnh.

Có thể khẳng định, sự ra đời của tổ chức HLV đúng thời điểm đất nước chuyển mình, bắt đầu công cuộc đổi mới đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là bộ phận nông dân nghèo, thiếu vốn và kỹ thuật, giúp họ đánh thức những khu vườn, cánh đồng, những sườn đồi cằn cỗi, bắt chúng nhả “vàng”. Nhờ vậy, tổ chức Hội đã nhanh chóng lan rộng ra địa bàn cả nước, ăn sâu bám rễ đến các bản làng, các gia đình. Có thể nói, chỗ nào có cộng đồng dân cư, chỗ đó có tổ chức Hội và hoạt động VAC. Những phong trào mà Hội đã khởi xướng, vận động qua các thời kỳ luôn phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển nên đã trở thành những giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương. Những nền tảng đó sẽ là động lực để Hội tiếp tục có những sáng tạo mới trong mô hình kinh tế VAC để giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đồng thời thích ứng với những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu.

 

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH 30 NĂM HOẠT ĐỘNG

4 lần nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 1 lần nhận Huân chương Lao động hạng nhì, 2 lần nhận Huân chương Lao động Hạng nhất; nhiều Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam…

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top