Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 14:59

TTKNQG: Tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động

Dù là năm khó khăn chung của ngành nông nghiệp, nhưng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn, để triển khai và hoàn thành kế hoạch năm 2020.

t20.jpg
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Minh Hoan trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lương Tiến Khiêm - Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính (TTKNQG).

 

Vượt khó

Theo PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2020, toàn ngành Nông nghiệp cũng như hoạt động khuyến nông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều dự án, nhiệm vụ khuyến nông phải tạm hoãn triển khai, lùi thời gian thực hiện hoặc điều chỉnh sang nội dung khác cho phù hợp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát; lũ lụt, hạn hán, mặn xâm nhập xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng ĐBSCL; thị trường tiêu thụ nông sản, xuất khẩu gặp khó khăn…

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các địa phương, sự ủng hộ của bà con nông dân trên khắp cả nước, tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác để triển khai và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch khuyến nông Trung ương năm 2020, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp năm 2020.

Năm 2020, các dự án khuyến nông Trung ương được triển khai thực hiện có hiệu quả, phát huy được các tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu (tôm, cá tra, lúa gạo, chè, điều, thanh long, chanh leo, dứa,…); phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng, lợi thế, còn dư địa phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị nông sản và tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Xây dựng các mô hình khuyến nông về phòng trừ dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Bộ, ngành, nắm bắt kịp thời những vấn đề “nóng” của sản xuất, thông tin nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất của Bộ, hoạt động khuyến nông và sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, như: phòng chống hạn, mặn ở vùng ĐBSCL; phát triển sản xuất cây vụ Đông; khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ của khu vực miền Trung; sản xuất ngô sinh khối…

Hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông tiếp tục được đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, như: Sử dụng phương pháp tập huấn mới là đào tạo tư vấn tại hiện trường FCV (hỏi đáp, tư vấn, thực hành). Theo đó, giảm dần nội dung đào tạo về kỹ thuật, tăng nội dung đào tạo về tổ chức quản lý sản xuất như: tổ chức, liên kết sản xuất, mã vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chuỗi liên kết sản xuất.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông; Xây dựng, ban hành khung hợp tác PPP khuyến nông; Ký biên bản ghi nhớ với một số đơn vị như: Tổ chức CDC, Tổ chức GCP, Tổ chức UN women, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Syngenta, Công ty Bayer, Công ty Bình Điền,...

Cũng trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực phối hợp, tham gia rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về khuyến nông, cụ thể: Xây dựng, trình Bộ ban hành Quyết định số 2166/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/6/2020 về Quy chế quản lý chương trình, dự án khuyến nông Trung ương và nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên; Tham gia xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông; Xây dựng, ban hành Hướng dẫn quản lý hoạt động khuyến nông Trung ương; Rà soát, sửa đổi và xây dựng mới các định mức khuyến nông cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ động tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương và tổ chức hội nghị để phổ biến, hướng dẫn cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.

Tiếp tục đổi mới

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tập thể Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói riêng và hệ thống khuyến nông toàn quốc nói chung trong năm 2020. Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sản xuất, thị trường, hệ thống khuyến nông cả nước nói chung, trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu tàu, đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống thiên tai, dịch bệnh để giúp cho Ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành và Chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Đối với những vấn đề nóng của Ngành như thiên tai, dịch bệnh, hệ thống khuyến nông đã vào cuộc hết sức chủ động, đề xuất, tham mưu để triển khai các hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, phát huy đúng tinh thần xung kích của khuyến nông.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ, ngành và bà con nông dân.

Cụ thể, công tác khuyến nông cần đi vào chiều sâu, không chỉ làm mô hình “cho cần câu” và “dạy cách câu cá” như hiện nay, mà còn cần phải truyền lửa, sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu cho nông dân.

Khuyến nông là khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khuyến nông còn phải chú trọng tới khâu phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Mô hình khuyến nông cần phải chú trọng vào hiệu quả cuối cùng, lan tỏa được ra sản xuất, tránh tình trạng hết dự án là hết mô hình, không mở rộng lan tỏa được ra thực tế.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông cần đi sâu vào quan điểm “hệ sinh thái”, nông nghiệp tuần hoàn, khai thác và sử dụng hết mọi nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo ra giá trị sản phẩm và không để rác thải làm ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục nghiên cứu các mô hình hợp tác đầu tư, hợp tác công – tư nhằm thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông.

Thông qua khuyến nông, cần phát hiện được những nút thắt của ngành nông nghiệp, đời sống nông thôn, nông dân. Bởi khuyến nông có hệ thống rộng khắp từ Trung ương tới địa phương, rất sâu sát, nắm rõ về tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của nông dân. Theo đó, khuyến nông không chỉ có tác động đến người nông dân về mặt kỹ thuật, mà còn cần truyền thụ cả về văn hóa, xã hội gắn với đời sống của người nông dân, nâng cao năng lực cộng đồng cho dân cư nông thôn.

 

 

 

 

Nguyễn Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top