Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2017 | 10:36

Từ việc Alibaba tăng vốn ảo, bán dự án ma và những bài học cho thị trường BĐS

Trước thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba vẽ dự án “ma” bán cho người dân, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) tiếp tục gửi công văn đến Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND, Công an, Cục Thuế và các sở, ngành liên quan để báo cáo về hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh.

Tăng vốn ảo

Liên quan tới việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh khi thành lập đều có số vốn điều lệ lên đến hàng ngàn tỉ đồng, sánh ngang với những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, HoREA cho rằng vốn điều lệ này chỉ là “vốn ảo”. Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có mã số doanh nghiệp là 0313788565, được đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 05/05/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/09/2017 đã vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt). Trong đó, có 3 cổ đông là ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc là đại diện pháp luật góp 10% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.

Trụ sở của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba nằm tại đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức

Với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỉ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản (BĐS). Đối chiếu với các tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng, 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.

Đối với Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh có mã số doanh nghiệp 0314675116 và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, có vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng cũng được đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản. Công ty có 3 cổ đông là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ. Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ và Bà Đặng Thị Bích Ngọc, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ. Công ty do ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.

HoREA nhận định, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh đến 7.800 tỷ đồng, là không bình thường.

Bán cho khách hàng cái mình không có

HoREA cũng đưa ra cảnh báo đến khách hàng và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp, cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra, trước những thông tin sai sự thật về việc Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha, pháp lý sổ đỏ thổ cư 100%”, thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc khẳng định Alibaba đang bán đất nền tại khu đô thị Tây bắc là trái với pháp luật

Cùng với những cảnh báo của HoREA, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc cũng có văn bản báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh với nội dung việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đang bán đất nền tại khu đô thị Tây Bắc là trái với pháp luật. “Ngày 02/11/2017, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc nhận được văn bản đề xuất thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tại Khu đô thị Tây Bắc. Tuy nhiên dự án do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đề xuất chưa được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, trong thời gian qua việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc theo thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí như trên là trái với các quy định của pháp luật hiện hành”, văn bản nêu rõ.

Bài học cho thị trường BĐS

Từ việc Alibaba liên tục tăng vốn ảo, bán dự án ma cho khách hàng, có thể thấy được rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng pháp lý trên thị trường BĐS. Theo HoREA, lỗ hổng đầu tiên nằm ở Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp rất thông thoáng, có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo. Đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng "Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.

Lỗ hổng thứ hai là độ "vênh" giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Bộ Luật Dân sự trong quá trình áp dụng pháp luật để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự), do đã bị kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp. Thực tế, trong quá trình áp dụng pháp luật, kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định về "giao dịch dân sự theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện", về "đặt cọc", về "hợp đồng hợp tác" của Bộ Luật Dân sự để ký "thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ" (hoặc phiếu đặt chỗ); "hợp đồng góp vốn"; "hợp đồng hợp tác đầu tư" để tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, nhất là trong giai đoạn hai bên chưa ký hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm mục đích huy động vốn trái phép trong việc mua bán nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự hình thành trong tương lai, và trong nhiều trường hợp, đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp.

Từ những bài học trên, HoREA cũng đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái pháp luật. Chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc nhiều doanh nghiệp xấu lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm dụng vốn của khách hàng không phải là ít gặp. Hơn ai hết, bản thân khách hàng cũng cần tỉnh táo, tìm hiểu rõ pháp lý của dự án trước khi xuống tiền, tránh rơi vào cái bẫy “lợi nhuận” để rồi tiền mất tật mang, tan nhà nát cửa./.

Giang Nam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top