Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 8 năm 2021 | 15:48

Tuyên Quang hướng dẫn người dân trị sâu, bệnh hại trên cây lúa, ngô

Trước tình trạng một số loại sâu, bệnh đang gây hại trên cây lúa, ngô có xu hướng gia tăng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang có văn bản hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu, bệnh gây hại.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, trên trà lúa mùa sớm xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh và gây hại. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết tháng 9 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng hoàn lưu của 2-3 cơn bão gây mưa lớn và gió lốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 0,5 -1 0C đây là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

 

Nông dân xã Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây lúa.

 

Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân thực hiện tốt một số giải pháp.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, hiện trên trà lúa mùa sớm đang đứng cái đến làm đòng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 gây hại mạnh, mật độ phổ biến 10-20 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2 gây ra hiện tượng trắng lá.

Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo người dân cần phát quang cỏ bờ để hạn chế nơi trú ngụ của trưởng thành sâu. Bón thúc cân đối phân đạm và phân kali. Khi ruộng có mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên 25 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh - cuối đẻ nhánh) và 10 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng trở đi); cần tiến hành phun thuốc phòng trừ.

Người dân chỉ nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu cuốn lá có trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, bằng một trong các loại thuốc: Gà nòi 95SP, Actamec 75EC, Catex3.6EC, Miktin 3.6EC, Virtako 40WG hoặc các thuốc khác có cùng hoạt chất.

Với loại rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 đang nở rộ, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cục bộ 700 -1.000 con/m2. Người dân cần phát quang cỏ bờ để hạn chế nơi trú ngụ của trưởng thành rầy. Bón thúc cân đối phân đạm và phân kali. Khi ruộng có mật độ rầy trên 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh cần tiến hành phun thuốc phòng trừ.

Về biện pháp hóa học, người trồng nên sử dụng các loại thuốc trừ rầy có trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, bằng một trong các loại thuốc: Actara® 25WG, Bassa 50 EC, Nibas 50EC; Abatox 3.6EC hoặc các thuốc khác có cùng hoạt chất.

Do thời gian phát sinh gây hại của sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng cơ bản trùng nhau, do vậy cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu trên cùng một diện tích bị nhiễm cả sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại thì có thể sử dụng kết hợp thuốc để trừ sâu cuốn lá và rầy. Nồng độ pha giữ nguyên theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc và phải đảm bảo 20 đến 25 lít nước thuốc cho 1 sào, sau phun 3-5 ngày kiểm tra nếu mật độ sâu, rầy còn cao thì phun lần 2.

Với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn thường phát sinh gây hại trên trà lúa đẻ rộ - đứng cái, làm đòng những vùng có mưa lớn, lũ, gió lốc, trên các giống nhiễm như: Tạp giao 1, Nhị ưu 838, bắc thơm số 7, ... Khi phát hiện ruộng bị bệnh cần giữ nước trên ruộng từ 2-3 cm, ngừng bón phân hoá học, phân bón qua lá và chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để trừ bệnh: Antixo 200WG, Avalon 8WP, Sasa 20WP ... và các thuốc khác có cùng hoạt chất có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Trên cây ngô, sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên các trà ngô, mật độ phổ biến từ 1-3 con/m2 . Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp để phòng trừ sâu keo mùa thu như: làm đất kỹ, phơi đất, luân canh cây trồng để diệt nhộng và thiên địch dễ dàng tiêu diệt. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật, phát quang bờ, bụi xung quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ngụ của sâu. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng đặc biệt là giai đoạn ngô 3-6 lá, thu ngắt diệt ổ trứng và sâu non vào sáng sớm hoặc chiều mát khi nhiệt độ thấp.

 

 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân trị sâu keo hại cây ngô.

 

Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ong kén trắng...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ. Sử dụng các loại bẫy bả, bẫy cây trồng, bả chua ngọt, bẫy đèn để thu bắt trưởng thành.

Giai đoạn từ khi mọc đến 7 lá, cần theo dõi sát diễn biến của sâu keo mùa thu. Khi mật độ sâu non từ 3-4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại trên 20% số cây, tiến hành phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc như: Voliam targo ®063SC, Bitadin WP, Proclaim® 5WG, Match® 050EC, Radiant 60SC hoặc các thuốc khác có cùng hoạt chất. Sử dụng thuốc đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng nơi quy định.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top