Đợt rét đậm, rét hại xảy ra vừa qua đã làm gần 100 ha lúa ở Tuyên Quang bị ảnh hưởng, thiệt hại, đặc biệt là diện tích lúa gieo sạ. Hiện, ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn bà còn nông dân khẩn trương gieo sạ, dặm lại những diện tích lúa bị chết.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa lớn diện rộng đã ảnh hưởng và thiệt hại gần 100 ha lúa mới cấy, trong đó tập trung ở diện tích lúa gieo sạ.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương đã có ít nhất 38,2 ha lúa non bị ảnh hưởng và chết. Trongkhi đó, tại các huyện như: Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa dù lúa non không bị chết nhiều như Sơn Dương, song cũng bị ảnh hưởng khá lớn do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài.
Vào thời điểm này mọi năm, trên cánh đồng các thôn Cầu Đá, Liên Thành, Đá Cả... xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã được dệt một màu xanh non của lúa mới. Tuy nhiên, năm nay tất cả vẫn là màu nâu của bùn đất. Những hạt thóc giống được bà con gieo sạ ngay sau khi Tết Nguyên đán nay vẫn năm phơi trên lớp bùn, còn mầm lúa héo quắt, rễ khô không thể phát triển.
Chị Phan Thị Mịch, thôn Đá Cả, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, 5 sào ruộng của gia đình xuống giống hôm mùng 3 Tết Nguyên đán, đợt rét dậm, rét hại vừa qua đã làm lúa giống bị chết. Giờ gia đình đang khẩn trương gieo cấy lại cho kịp thời vụ.
Cũng trong hoàn cảnh như chị Mịch, hơn 4 sào ruộng mới cấy của gia đình bà Hoàng Thị Ngân, thôn Cầu Đá nhiều chỏm lúa đã chết do rét. Theo bà Ngân, chưa năm nào ra giêng thời tiết lại khắc nghiệt như năm nay. Để đảm bảo khung thời vụ, mật độ, bà đã tận dụng hết mạ dự phòng dặm lại trên điện tích lúa đã chết.
Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, chi cục đã có văn bản đến các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khẩn trương đôn đốc bà con khắc phục hậu quả. Đối với những diện tích lúa mới cấy bị mất chòm, sử dụng mạ dự phòng cấy dặm, đảm bảo mật độ; diện tích gieo sạ có tỷ lệ chết cao, nhòng lại đất tiến hành gieo sạ lại. Lưu ý sử dụng các giống lúa ngắn ngày như KM 18, Hà Phát 3; TBR225... để gieo cấy nhằm đảm bảo khung thời vụ. Những diện tích không đủ nước thực hiện chuyển đổi sang các cây trồng khác như đậu đỗ, ngô, lạc...
Người dân cấy lại những diện tích lúa bị chết.
Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang khuyến cáo, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức thấp ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt là lúa non mới cấy. Do đó, bà con cần tăng cường các biện pháp bảo vệ. Đối với mạ, không bón phân đạm, phân NPK, chỉ bón phân lân và tro bếp, kết hợp điều tiết nước xăm xắp trên mặt luống mạ qua đêm (tối đưa nước vào để ấm chân mạ, ngày tháo cạn nước để đất hấp thu nhiệt), tiếp tục che phủ nilon chống rét cho mạ.
Lúa đã cấy và gieo sạ, duy trì mực nước tối thiểu 2 - 3 cm liên tục đều trên mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa, tăng cường bón tro bếp, phân lân; tuyệt đối không bón phân đạm và các loại phân bón lá. Khi nhiệt độ ấm trở lại mới tiến hành chăm sóc, sục bùn kết hợp bón bổ sung phân lân, phân NPK, phân chuồng hoai mục để kích thích rễ phát triển. Tuyệt đối không để ruộng lúa mới cấy bị hạn.
Đối với các cây màu như: ngô, lạc, tạm dừng việc gieo hạt, chăm sóc khi nhiệt độ thấp dưới 15 độ C. Trên ruộng đã trồng thực hiện khơi rãnh sâu để ruộng thoát nước tốt, tránh để úng, đọng nước trên mặt luống làm thối hạt giống, chết cây con. Khi thời tiết ấm lại tiếp tục chăm sóc, cần bón bổ sung phân kali, phân lân, giảm bón đạm để cây khoẻ tăng cường khả năng chống rét.