Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:44

Ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần TĂCN từ nguyên liệu trong nước

Nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao và dự báo còn tiếp tục tăng đến hết năm nay. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần TĂCN từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm TĂCN.

Giá nguyên liệu giữ đà tăng

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dự kiến giá nguyên liệu TĂCN vẫn tăng đến hết năm 2022. Thực tế, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8/2022 đã tăng, giá ngô tăng lên 11.000 đồng/kg và giá khô dầu đậu tương tăng lên 17.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến các nguyên liệu TĂCN tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới - các nước Nam Mỹ. Và xung đột giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư thế giới) cũng tác động lớn đến giá ngô, lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.

 

trang-trại-chăn-nuôi-lợn-khép-kín-của-gia-đình-anh-phạm-văn-thụy-xã-phú-châu-huyện-ba-vì-luôn-duy-trì-tổng-đàn-lợn-thịt-từ-1200-đến-1500-con-lợn-thịt-ảnh-vũ-sinh.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn khép kín của gia đình anh Phạm Văn Thụy, xã Phú Châu (Ba Vì - Hà Nội) luôn duy trì tổng đàn lợn thịt từ 1.200 đến 1.500 con lợn thịt. Ảnh Vũ Sinh

 

Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô)... để sản xuất TĂCN.

Ông Tống Xuân Chinh cho biết, do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá TĂCN công nghiệp trong nước cũng tăng theo. Giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng đã tăng 18,4%, lên 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà thịt lông màu tăng 24,5%, lên 13.400 đồng/kg. thức ăn cho gà thịt lông trắng tăng 29,8%, lên 14.100 đồng/kg.

Ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần TĂCN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, nhận định: Giá TĂCN tăng tương đối cao trong hai năm gần đây. Trước đây, giá ngô chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì nay tăng lên trên dưới 10.000 đồng/kg, đỗ tương từ hơn 8.000 đồng/kg tăng lên 16.300 đồng/kg…, kéo theo đó giá TĂCN hỗn hợp tăng 25-40%, điều này  ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo ông Tống Xuân Chinh, lĩnh vực sản xuất TĂCN trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Sở dĩ nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc là do năng lực sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý TĂCN còn thiếu đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công.

Dẫn chứng ví dụ về năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế, ông Tống Xuân Chinh cho biết, diện tích trồng ngô làm nguyên liệu phục vụ sản xuất TĂCN của Việt Nam đến nay chỉ đạt 942.00ha, thậm chí đang có xu hướng giảm đi.

“Chẳng hạn như tại Sơn La, trước kia là địa phương có diện tích trồng ngô số 1 tại miền Bắc nhưng hiện nay do có ưu thế về xuất khẩu hoa quả, địa phương này đã chuyển dịch rất nhanh từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả khiến diện tích trồng ngô giảm đi đáng kể”, ông Chinh cho hay.

Không chỉ diện tích trồng ít mà năng suất ngô cũng còn rất thấp. Theo ông Chinh, hiện nay sản phẩm ngô của Việt Nam rất khó cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu bởi Mỹ, Brazil, Irasel đều có năng suất trồng ngô cao gấp 2-4 lần so với nước ta. Điều này đòi hỏi cần phải hình thành vùng nguyên liệu để tập trung công nghệ cao, tăng năng suất thì mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu.

Việc nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để “hạ nhiệt” giá thành TĂCN không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà cần có thời gian, bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh triển khai giải pháp tìm thức ăn thay thế để gỡ khó cho người chăn nuôi.

Đại diện Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, việc sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo… trong mô hình chăn nuôi lợn tại Tiền Giang, Lào Cai đã giúp giảm giá thành sản phẩm khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng các công thức phối trộn thức ăn từ nguyên liệu sẵn có tại Nghệ An, Thừa Thiên - Huế… cũng đã giúp giảm 10-15% chi phí thức ăn/nái/năm so với việc mua thức ăn hỗn hợp.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần TĂCN từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm TĂCN.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau nhiều năm, Viện Chăn nuôi cùng với các đơn vị đã đánh giá giá trị dinh dưỡng các nguyên liệu của địa phương và đưa ra công thức thức ăn, phân tích giá trị thức ăn hỗn hợp với đầy đủ các tiêu chí protein, năng lượng, canxi, phốt pho, vitamin, axit amin… Kết quả nghiên cứu được ứng dụng trên nhiều đối tượng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm…

“Các công thức từ nguyên liệu trong nước đã được nghiên cứu và nghiệm thu. Với cách làm này, giá TĂCN giảm 300-1.000 đồng/kg. Với mức giảm 1.000 đồng/kg, khi mua thức ăn 10.000 đồng/kg sẽ giảm được 10% và tương ứng giá thành chăn nuôi sẽ giảm được 5-7%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Cục Chăn nuôi, các địa phương cần nhân rộng hơn nữa các công thức xây dựng khẩu phần ăn từ nguyên liệu trong nước trong thời gian tới để gỡ khó cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn tiếp tục có xu hướng tăng.

Giải quyết vấn đề TĂCN theo từng vùng, miền

Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu TĂCN, ông Tiến cho hay, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề TĂCN theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, TĂCN, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Theo ông Tiến, các địa phương khi cho phép xây dựng nhà máy chế biến TĂCN cần tính đến việc phù hợp với vùng chăn nuôi, chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về logistics. Đây cũng là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Bên cạnh việc cần tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu TĂCN, Bộ đang bàn với Tập đoàn De Heus phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thành lập các hợp tác xã sản xuất sắn, ngô để giảm áp lực phải nhập khẩu nguyên liệu.

 

sản-xuất-thức-ăn-chăn-nuôi-tại-công-ty-tnhh-de-heus-vốn-đầu-tư-của-hà-lan-tại-khu-công-nghiệp-bình-xuyên-vĩnh-phúc-ảnh-danh-lam.jpg
Sản xuất TĂCN ở Công ty TNHH DE HEUS, vốn đầu tư của Hà Lan, tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh Danh Lam

 

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển thì cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ việc tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để sản xuất, chế biến TĂCN. Khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học-công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất TĂCN; cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top