Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 5 năm 2022 | 8:57

Vấn đề cốt lõi của ngành giáo dục: Cần hướng đến sự chuyên nghiệp và bài bản

Những ngày qua, thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn và việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 khiến dư luận dậy sóng.

Phân luồng hay câu chuyện thành tích

Ngày 20/4 vừa qua, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin: một số trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã yêu cầu học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng tới thành tích thi đua của nhà trường.

Ngay sau thông tin trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.

Mặc dù chưa biết tính xác thực của thông tin này, thế nhưng, đây là vấn đề đã âm ỉ trong dư luận nhiều năm qua. Thậm chí, một số phụ huynh học sinh cho rằng, nhà trường đang mượn danh tư vấn hướng nghiệp để “ép” học sinh yếu kém không thi lớp 10 nhằm đảm bảo thành tích.

 

anh-1.jpg
Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ học môn Lịch sử . Ảnh: Tấn Thạnh

 

Nói về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng, nói là tư vấn nhưng ở một số trường trong quá trình truyền đạt đến phụ huynh và học sinh lại mang tính chất ép buộc. Có thể là vì hoàn thành chỉ tiêu phân luồng đã được đề ra hoặc cũng có thể giữ xếp hạng cho trường trong các bảng xếp hạng điểm thi vào lớp 10.

Đồng quan điểm với ông Vinh,  thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), phân tích, trong khi bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề trong ngành Giáo dục thì những cách đánh giá khen thưởng hiện nay lại càng thúc đẩy các hành vi sai lệch. Cấp phòng áp lực vì cách tính thành tích của sở và tạo áp lực xuống hiệu trưởng, hiệu trưởng tạo áp lực xuống giáo viên, giáo viên tìm nhiều cách để đạt mục tiêu, trong đó có cả những cách không nên làm.

Đứng trên góc nhìn của học sinh, theo TS. Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo, trẻ bị ép không thi vào lớp 10 hoặc chuyển trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.

“Học sinh bị ép không thi vào lớp 10 sẽ có tâm trạng chán chường, lòng tự trọng bị giảm sút. Các em sẽ nghĩ bản thân vô giá trị, thất bại và không có khả năng làm gì cả. Trong một số bối cảnh, khi trẻ bị căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực vì không đáp ứng được kỳ vọng của người lớn”, TS. Trần Thành Nam bày tỏ lo ngại.

Khi Lịch sử trở thành môn tự chọn

Từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 10. Đáng chú ý, ngoài 7 môn học bắt buộc, môn Lịch sử trở thành một trong các môn tự chọn cho học sinh.

Điều này nhận được nhiều ý kiến trái chiều ngay chính giáo viên cũng như  chuyên gia giáo dục. 

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quan ngại việc đại đa số giới trẻ hiện tại, nhất là lứa tuổi đang học phổ thông, gần như chưa hiểu biết nhiều về lịch sử dân tộc, đây không phải đánh giá chủ quan mà là sự thật phũ phàng. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như giới trẻ hiện tại và tương lai không muốn học môn Lịch sử và không quan tâm về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại những hiểu biết ngây ngô, lơ mơ, đại khái, thậm chí với những nhận thức méo mó, lệch lạc.

Trong khi đó, chẳng ai dám chắc các em sẽ không nhặt nhạnh các thông tin về lịch sử đã bị xuyên tạc, bóp méo và bôi đen đang tràn lan từng phút, từng giây trên  mạng xã hội, sách báo phản động?

Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu để Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT là chưa phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, cấp II học sinh đã học Lịch sử, lên cấp III chỉ cần học định hướng. Cách hiểu này cũng có phần đúng. Nhưng phẩm chất, năng lực của học sinh hoàn thiện chủ yếu ở giai đoạn phổ thông trung học. Lịch sử nên là môn có vị trí xứng đáng với tầm quan trọng vốn có. Bên cạnh ứng xử như  môn học bình thường, với quốc gia có nhiều dấu mốc lịch sử, môn học này không thể coi nhẹ”.  

 

anh222.jpg
Giờ sinh hoạt hướng nghiệp của học sinh lớp 9B - Trường THCS Võ Miếu, huyện Thanh Sơn - Tỉnh Phú Thọ.

 

Theo cô Hương, chương trình hiện nay đang “ôm quá nhiều kiến thức” là nguyên nhân khiến học sinh sợ Lịch sử. Nhưng ở những chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu học sinh không chọn môn Lịch sử, những chủ đề chống Pháp, chống Mỹ không được học ở lớp 10 hay Quan hệ quốc tế (lớp 12) sẽ là khoảng trống với học sinh. Mặc dù, những kiến thức này ở bậc THCS đã có, nhưng học sinh chưa nhận thức sâu sắc.

TS Lê Hữu Phước, chuyên gia sử học, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng, cả chương trình và cách dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông nhiều năm nay thật sự chưa hiệu quả, dẫn đến học sinh không thích học.

Cần chuyên nghiệp và bài bản hơn

Từ hai vấn đề nêu trên, có thể thấy, nền giáo dục ở nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ để có thể có điều chỉnh cách đánh giá, dạy học phù hợp.

Quay trở lại với vấn đề phân luồng học sinh, có thể nói rằng, gốc rễ của sự biến tướng này là do bệnh thành tích, không phải thật sự hướng đến học sinh. Hướng nghiệp cho học sinh sau cấp THCS không phải là bắt em phải đi đường này, em phải đi hướng kia hay mà là việc định hướng các em chọn theo con đường nào còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác, không chỉ dựa vào mỗi chuyện điểm số cao hay thấp mà vạch ra cho các em hướng đi chính xác cho mình. Đặc biệt, công tác hướng nghiệp cho các em cần được làm một cách bài bản và khéo léo.

Cô Bùi Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), cho biết, thông thường dựa trên kết quả thi học kỳ của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi thêm với thầy cô các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thảo luận thêm về những trường hợp học sinh có điểm số tương đối thấp.

Cô Tâm cũng cho rằng, những buổi định hướng như thế nếu không được giáo viên tổ chức khéo léo, phụ huynh rất dễ hiểu lầm rằng giáo viên không cho con họ thi lớp 10 hoặc ép buộc các em phải học trường nghề.

Đồng quan điểm với cô Tâm, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong chuyện định hướng cho các học sinh lớp 9, phải tư vấn luôn cho cả phụ huynh thật kỹ. Nhiều lúc giáo viên tư vấn không khéo, khiến một số trường hợp phụ huynh cảm thấy bị tự ái hoặc nghĩ rằng con họ đang bị đẩy ra khỏi cuộc thi lớp 10.

Còn đối với vấn đề môn Lịch sử là môn tự chọn, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự thay đổi căn cơ thì cho dù môn Lịch sử tiếp tục là môn học bắt buộc, học trò vẫn không yêu thích môn học này.

Như vậy, vấn đề cốt lõi tại đây là ngành Giáo dục cần thay đổi phương pháp truyền tải, cách tiếp cận kiến thức lịch sử đến với học sinh.

Đưa ra giải pháp cho việc này, TS. Lê Hữu Phước cho rằng: Chúng ta không nên bàn việc coi lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc, mà cần thiết kế lại toàn bộ nội dung chương trình môn học với khối lượng kiến thức phù hợp ở từng bậc học.

“Tôi nghĩ rằng, môn Lịch sử sẽ thu hút người học nếu làm được hai điều: Truyền cảm hứng và rèn luyện tư duy phân tích, bình luận. Thực tế cho thấy, có một số thầy cô bậc phổ thông đã làm được điều này, từ đó làm lan tỏa đến học sinh tình yêu đích thực đối với môn Lịch sử”, ông Phước nói.

Thay cho lời kết

Ngày 4/11/2013, Hội nghị T.Ư 8 Khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Theo đó, mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả” được nhấn mạnh.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo quan điểm của Đảng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Giáo dục và đào tạo phải gắn học với hành, lý luận với thực tiễn với nhu cầu phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc...

Trên tinh thần đó, ngành giáo dục cần lấy ý kiến, thăm dò dư luận xã hội khi triển khai những vấn đề lớn, hệ trọng và cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngành.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top