Qua nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp là việc với một số cơ quan chức năng, chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề khuất tất, mâu thuẫn trong việc cưỡng ép doanh nghiệp chuyển đổi mô hình. “Nếu phương án do hai bên xây dựng không đạt yêu cầu thì tỉnh cũng không phê duyệt”.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, cho rằng, chủ trương chuyển đổi Cty Nông nghiệp Sông Con thành đơn vị hai thành viên là chủ trương của UBND tỉnh, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, và giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai tổ chức thực hiện. Nhưng, Công ty NN Sông Con không thực hiện, nguyên nhân theo ông Sỹ là vì “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”. Và cho rằng, việc Công ty CP Mía đường Sông Con góp vốn vào Công ty NN Sông Con không làm thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, không thay đổi cơ cấu cây trồng, đất đai, người lao động vẫn giữ nguyên, chỉ có lợi là có thêm vốn làm ăn, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động và DN.
Tuy nhiên, sự góp vốn của Công ty Mía đường với tỷ lệ 70% sẽ tạo ra một doanh nghiệp mới, từ Công ty MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn thành Cty HTV do một Công ty CP nắm giữ 70% vốn, mô hình quản lý, cơ cấu ban lãnh đạo, tổ chức sản xuất… đều thay đổi. Đồng nghĩa với Công ty TNHHMTV NN Sông Con sẽ bị xoá sổ. Việc làm nói trên là đi ngược lại Điều lệ của Công ty NN Sông Con do tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và trái với Công văn 2449 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Công văn số 2449/TTg-ĐMDN ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phương án sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc UBND tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015, Cty TNHHMTV Nông nghiệp Sông Con thuộc danh mục DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vì vậy, việc chuyển giao vốn, đất đai, lao động để liên doanh với công ty CP Mía đường dẫn đến việc thay đổi mô hình Công ty và xoá bỏ quyền sở hữu 100% vốn và quyền điều hành của Nhà nước tại Công ty TNHHMTV Nông nghiệp Sông Con là trái với qui định của Thủ tướng Chính phủ.
|
Công nhân ngao ngán khi nghe tin sát nhập. |
Ông Võ Hồng Dương, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An thì cho rằng, việc chuyển đổi như trên là đúng luật, đúng Điều lệ Công ty NN Sông Con mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Công ty NN Sông Con phản đối vì chưa hiểu rõ về Luật, điều lệ. Việc chuyển đổi sẽ đem lại kết quả sản xuất, kinh doanh tốt cho cả hai bên.
Nhưng khi chúng tôi hỏi lại: UBND tỉnh có chắc chắn về hiệu quả khả quan của việc chuyển đổi này không, thì ông Võ Hồng Dương nói: “Điều đó cũng chưa biết cụ thể, phải chờ hai bên xây dựng phương án đã. Nếu phương án do hai bên xây dựng không hiệu quả, không đạt yêu cầu, thì UBND tỉnh cũng không phê duyệt”, ông Dương nói thêm.
Về việc không lấy ý kiến tập thể lãnh đạo, công nhân viên của công ty và người lao động trước khi chuyển đổi, ông Dương lưu ý là nếu làm theo qui trình đó thì “không thể làm được”. Còn sau khi có chủ trương, trong quá trình xây dựng phương án thì lãnh đạo, công nhân và người lao động thoải mái tham gia - ông Dương khẳng định.
Lại chuyện tréo ngoe
Trong tờ trình số 5584 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An nêu nguyên nhân là do Công ty TNHHMTV NN Sông Con “qui mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, máy móc thiết bị lạc hậu, vốn ít, không có khả năng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… Thế nhưng, trong phương án kèm theo, UBND tỉnh Nghệ An hầu như không đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng nói trên, mà chỉ tập trung cho mục đích phát triển vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Sông Con.
Mục tiêu của phương án là sau khi trở thành thành viên có số vốn góp chiếm ưu thế tuyệt đối (70%), phía Công ty Mía đường sẽ tiến hành các giải pháp để buộc người lao động phải từ bỏ các loại cây trồng khác chuyển sang trồng mía. Bởi trong đề án đưa ra, sau khi sáp nhập sẽ phát triển 1.145ha mía từ Cty Sông Con bàn giao sang, có nghĩa là toàn bộ diện tích 1.000ha cao su sẽ bị chặt bỏ để trồng mía.
|
Dòng vàng trắng có nguy cơ vụt tắt. |
Nội dung phương án cũng dành phần lớn số trang để “ca ngợi” hết lời đối với cây mía và “vẽ” ra một tương lai sán lạn cho cây mía và người trồng mía, với diện tích lên đến 1.145ha nói trên. Ông Phan Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHHMTV NN Sông Con cười trong nước mắt: “Nông dân không phải không biết gì. Họ có kinh nghiệm lâu năm, tính toán rất cụ thể, rất giỏi. Cây gì có lợi, phù hợp là họ trồng. Nếu cây mía có lợi như thế, thì chẳng cần ai vận động hay ép buộc gì cả, tự nhiên người nông dân sẽ đi xin nhà máy đường để trồng mía”. Hiện nay trên đất của Cty NN Sông Con có khoảng 300ha mía, 1.000ha cao su và các cây trồng khác. Chỗ đất nào trồng được cây gì thì Công ty và người lao động đã trồng rồi. Đất trồng cao su thì không phù hợp với cây mía và ngược lại. Còn vùng đất bãi đang trồng ngô cũng không thể trồng mía, vì lũ lụt. Phương án đề ra trong năm 2013 diện tích cây mía tăng lên 1.145ha thì chỉ có chặt cao su đi mà trồng mía, phá vỡ luôn qui hoạch phát triển cao su của tỉnh Nghệ An đề ra.
Nói về sản xuất và chế biến mủ cao su, trong Phương án nêu “Xây dựng một nhà máy chế biến mủ cao su”. Nhưng thực ra, hiện nay, nhà máy này đang hoạt động với công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao, công suất thừa so với sản lượng mủ thu hoạch. Về tiêu thụ sản phẩm, Phương án của tỉnh Nghệ An nêu rất “đơn giản, gọn nhẹ”: “Công ty CP Mía đường Sông Con đã có kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, an toàn ở Trung Quốc, nên vấn đề tiêu thụ sản phẩm đã được giải quyết”. Vấn đề đây là sản phẩm cao su, trong khi DN mía đường chỉ có kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm đường. Mặt khác, từ trước đến nay sản phẩm cao su của Công ty NN Sông Con làm ra đến đâu bán hết đến đó và không chỉ bán cho Trung Quốc.
Nghe phương án mà tưởng đùa!
Phải khẳng định rằng, đây là một Phương án được xây dựng trên cơ sở lợi ích hoàn toàn thuộc về phía Công ty CP Mía đường Sông Con, và do không trực tiếp làm việc giữa hai bên nên có nhiều nội dung mang tính chất “lãng mạn”; với mục đích tạo điều kiện cho Công ty mía đường để ép người nông dân từ bỏ các cây trồng khác chuyển sang trồng mía. Người nông dân, công nhân sẽ không còn quyền tự chủ trên chính mảnh đất giao khoán mà họ được quyền sử dụng từ trước tới nay.
Câu chuyện nói trên cũng giống như chuyện cha mẹ bất ngờ đem con đi gã bán, khi con không ưng thì ép, rồi sau lại nói “lấy nhau về mà không hợp thì thôi”. Đó là chuyện thật như đùa đang diễn ra trong bối cảnh làm việc theo kiểu “trao tay” chuyện thật như đùa. Trong cuộc “hôn nhân” này, bên có lợi là công ty mía đường, họ trở thành, thành viên có tỷ lệ vốn biểu quyết chiếm tỷ lệ tuyệt đối, có cơ hội để “lái” nông dân sang trồng mía. Còn Nhà nước thì “bỗng dưng” mất quyền sở hữu 100% DN, người lao động lâm vào cảnh mất quyền tự chủ.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN Nghệ An, nói: Đáng ra anh Ất phải xuống gặp tôi, hỏi tôi nên làm như thế nào. Đằng này lại viết đơn thư vượt cấp, ra đến Thủ tướng. Ngược lại, trong cuộc họp phổ biến chủ trương ngày 23/9/2013, khi lãnh đạo Công ty NN Sông Con trình bày, ông Sỹ dùng quyền chủ toạ không cho nói hết vấn đề. “Tôi đang nói, bị yêu cầu ngồi xuống đến 3 lần”, một lãnh đạo Công ty NN Sông Con nói.
Kết thúc bài viết này cùng trong bối cảnh Công nhân và nông dân thuộc “Nông trường Sông Con” đang thấp thỏm lo âu, họ chỉ biết chắp tay cầu trời khấn phật mong làm sao việc sáp nhập không còn diễn ra nữa để cuộc sống người lao động nơi đây được bình yên như thường ngày đã bình yên khác.Nhón PVĐT
KTNT